extra_toc


Nhận thức về hạnh phúc và khổ đau

Cuộc sống của con người rất đa dạng và phức tạp, con người có hiểu biết và quan tâm tới rất nhiều vấn đề, rất nhiều lãnh vực đa dạng khác nhau. Tuy vậy, tất cả những sự hiểu biết, những sự quan tâm ấy đều đồng quy về một vấn đề duy nhất là Hạnh phúc và Khổ đau. Cảm nhận Hạnh phúc và Khổ đau thì người ngu và trí, Phàm và Thánh đều cảm nhận được, nhưng hiểu biết về Hạnh phúc và khổ đau thì khác nhau và được chia làm hai loại:
- Hiểu biết không đúng sự thật về Hạnh phúc và Khổ đau được gọi là Vô minh, vọng tưởng thuộc về kẻ Phàm.
- Hiểu biết đúng sự thật về Hạnh phúc và Khổ đau được gọi là Minh, là Trí tuệ thuộc về bậc Thánh.

Không chỉ đối với Hạnh phúc và Khổ đau mà tất cả các sự vật và hiện tượng (gọi là pháp) khác cũng tương tự như vậy. Ví như có một cục nước đá, khi sờ tay vào cục nước đá, Phàm hay Thánh đều cảm nhận được lạnh. Đối với người Phàm sau khi cảm nhận lạnh liền khởi lên hiểu biết về lạnh: lạnh này ở trong cục nước đá (thường trú trong cục nước đá), lạnh này của cục nước đá (cục nước đá là chủ nhân của lạnh), lạnh là thuộc tính của cục nước đá, là vật chất. Cái hiểu biết đó của người phàm gọi là Thường kiến (thường trú) và Ngã kiến (chủ nhân) và cái được biết thuộc về cảnh (vật).

Hiểu biết của bậc Thánh về lạnh phát sinh do quán sát sự thật: bàn tay là một nhân và cục nước đá là nhân thứ hai. Có đầy đủ hai nhân nhưng chưa có sự tiếp xúc thì không có cái lạnh nào cả. Có đủ hai nhân đó và có sự tiếp xúc giữa bàn tay và cục nước đá (duyên) tức đầy đủ nhân và duyên thì sẽ phát sinh lạnh. Đây mới là cái lạnh thực, cho dù Phàm hay Thánh đều cảm nhận cái lạnh thực này. Lạnh này do nhân duyên mà phát sinh nên gọi là pháp duyên khởi. Lạnh này là một cảm giác, nó là tâm chứ không phải là cảnh (vật chất).
Xúc sinh cảm giác lạnh sinh, xúc diệt cảm giác lạnh diệt. Cảm giác lạnh này sinh lên và diệt đi do duyên xúc. Khi chưa có xúc cảm giác lạnh này không có nên nó không thường hằng, không thường trú trong cục nước đá. Cảm giác lạnh này có tính chất vô thường nghĩa là sinh lên rồi diệt đi không thường hằng, không thường trú ở đâu cả. Cảm giác lạnh này do duyên xúc mà khởi lên nên nó vô chủ, có nghĩa là bàn tay không phải là chủ nhân của cảm giác lạnh, cục nước đá không phải chủ nhân của cảm giác lạnh, không có cái gì là chủ nhân của cảm giác lạnh.

Đối với người Phàm khởi lên “Ta lạnh” tức có một cái Ta là chủ nhân của cảm giác lạnh, đây gọi là ngã kiến. Sự thực không có một cái Ta nào là chủ nhân của cảm giác lạnh, cảm giác lạnh vô chủ cũng có nghĩa là vô ngã. Bây giờ trở lại với chủ đề Hạnh phúc và Khổ đau với hai loại hiểu biết Vô minh và Minh của Phàm và Thánh.

Hiểu biết của người Phàm về Hạnh phúc và Khổ đau

hanh phuc kho dau 1hạnh phúc sinh ra trong đau khổ, đau khổ ẩn mình trong hạnh phúc

Người Phàm cảm nhận Khổ rồi khởi lên hiểu biết khổ ở nơi hoàn cảnh, nguyên nhân của khổ là do hoàn cảnh như nghèo đói, bệnh tật, lạc hậu, thiếu tiện nghi, áp bức bất công, thiên tai, chiến tranh… tóm lại là hoàn cảnh khó chịu. Khổ ở trong hoàn cảnh khó chịu, thường trú trong hoàn cảnh khó chịu. Đây chính là Thường kiến. Người Phàm khởi lên “Ta đau khổ” nghĩa là có một cái Ta là chủ nhân của khổ, đây gọi là Ngã kiến (tiến Hán gọi là Ngã, tiếng Việt gọi là Ta).

Người Phàm cảm nhận Hạnh phúc rồi khởi lên hiểu biết: Hạnh phúc chính là những hoàn cảnh tốt đẹp như: giàu có, xinh đẹp, khỏe mạnh, thành đạt, quyền lực… Hạnh phúc thường trú trong những hoàn cảnh dễ chịu, tốt đẹp đó. Đây là Thường kiến. Người Phàm cũng khởi lên “Ta hạnh phúc” có nghĩa có một cái Ta (Ngã) là chủ nhân của Hạnh phúc. Đây gọi là Ngã kiến. Người Phàm cũng khởi lên hiểu biết là chỉ có Hạnh phúc mới có thể chấm dứt được Khổ đau. Chính vì vậy, người Phàm yêu thích Hạnh phúc, khao khát tìm cầu Hạnh phúc (hỷ lạc) chỗ này chỗ kia như Dục, như Hữu, như Phi hữu để chấm dứt khổ. Khi đã hiểu Hạnh phúc và Khổ đau như vậy thì con đường chấm dứt khổ đối với người Phàm là thay đổi hoàn cảnh tức tìm cầu những hoàn cảnh tốt đẹp, dễ chịu để thay thế những hoàn cảnh khó chịu.

Đây chính là hiểu biết về Khổ, nguyên nhân của Khổ, sự chấm dứt Khổ (Hạnh phúc) và con đường chấm dứt Khổ ở nơi hoàn cảnh, ở nơi sắc thanh hương vị xúc pháp trần của kẻ Phàm. Hiểu biết như vậy được gọi là Vô minh và nó được cài đặt trong kho chứa tri thức hiểu biết của mỗi người. Hễ sáu căn và sáu trần tiếp xúc, lộ trình tâm Bát tà đạo khởi lên sẽ có (Tà) Niệm kích hoạt các thông tin đó lên và (Tà) Tư duy sẽ đối chiếu, so sánh với các thông tin đó làm khởi lên cái biết ý thức (không đúng sự thật) gọi là (Tà) Tri kiến có nội dung là Vô minh này. Và cái biết ý thức Vô minh này sẽ chi phối toàn bộ đời sống nhân loại. Chính vì hiểu biết Vô minh này mà:

Khi đối diện với một đối tượng dễ chịu (Hạnh phúc) thì thích thú đối tượng đó, đây gọi là Tham.
Khi đối diện với đối tượng khó chịu (Khổ đau) thì chán ghét, đây gọi là Sân.
Khi đối diện với một đối tượng trung tính (không dễ chịu không khó chịu) thì tìm kiếm một đối tượng dễ chịu (Hạnh phúc) để thay thế đối tượng trung tính đó, đây gọi là Si.


Hiểu biết của bậc Thánh về Hạnh phúc và Khổ đau

hanh phuc kho dau 2Hạnh phúc không phải là cái đích ta muốn hướng tới mà là hành trình mà chúng ta đang đi...

Bậc Thánh ở đây là Đức Phật và các đệ tử chân chính của Phật. Mở đầu Trường Bộ Kinh là bản kinh Phạm Võng, Đức Phật tuyên bố về sự giác ngộ của Ngài như sau: “Ngài như thật tuệ tri sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các cảm thọ. Nhờ tuệ tri như vậy, này các Tỷ kheo, Như Lai được giải thoát hoàn toàn không có chấp thủ”. Sự giải thoát của Đức Phật là nhờ tuệ tri như vậy. Vậy tuệ tri sự tập khởi (sinh), sự đoạn diệt (diệt), vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly của Thọ là như thế nào?
Tuệ tri sự sinh diệt của Thọ
Sáu căn tiếp xúc với sáu trần gọi là sáu xúc gồm: Nhãn xúc, Nhĩ xúc, Tỉ xúc, Thiệt xúc, Thân xúc, Ý xúc. Do có sáu xúc mà phát sinh sáu cảm giác hay sáu cảm thọ gọi tắt là Thọ và sáu cái biết trực tiếp biết các cảm thọ đó:

Nhãn xúc ➡ Cảm giác hình ảnh - Nhãn thức
Nhĩ xúc ➡ Cảm giác âm thanh - Nhĩ thức
Tỉ xúc ➡ Cảm giác mùi - Tỉ thức
Thiệt xúc ➡ cảm giác vị - Thiệt thức
Thân xúc ➡ Cảm giác xúc chạm - Thân thức
Ý xúc ➡ Cảm giác pháp trần - Tưởng thức


Xúc sinh thời cảm giác sinh, xúc diệt thời cảm giác diệt. Khi không có xúc thì không có thọ vì vậy thọ sinh lên rồi diệt, trước khi sinh không thường trú ở đâu cả, khi diệt cũng không trở về thường trú ở đâu cả nên Thọ có tính chất Vô thường, không thường hằng, không thường trú ở đâu cả. Thọ cũng vô chủ nghĩa là Căn không phải là chủ nhân của Thọ, Trần không phải là chủ nhân của Thọ, không có cái gì là chủ nhân của Thọ, không có một cái Ta nào là chủ nhân của Thọ nên Thọ là Vô ngã.
Phải phân biệt Căn và Trần tiếp xúc với nhau phát sinh ra Thọ giống như Trống và Dùi tiếp xúc với nhau phát sinh ra Tiếng trống. Tiếng trống là khác mà Trống và Dùi là khác. Vì vậy nhãn thức thấy cảm giác hình ảnh (Thọ) chứ không phải nhãn thức thấy sắc trần; nhĩ thức nghe cảm giác âm thanh (Thọ) chứ không phải nghe thanh trần; tỉ thức cảm nhận cảm giác mùi (Thọ) chứ không phải là hương trần, thiệt thức cảm nhận cảm giác vị (Thọ) chứ không phải vị trần, thân thức cảm nhận cảm giác xúc chạm (Thọ) chứ không phải xúc trần; tưởng thức cảm nhận cảm giác pháp trần (Thọ) chứ không phải pháp trần. Vậy những gì được thấy, được nghe, được cảm nhận là các cảm giác, là Thọ, là Tâm chứ không phải Cảnh, không phải là sắc thanh hương vị xúc pháp.


Tuệ tri về vị ngọt của hạnh phúc và khổ đau

hanh phuc kho dau 3Mọi buồn vui của chúng ta đều ảnh hưởng đến sự phát triển của tế bào trong cơ thể

 

Các cảm thọ có sáu loại nhưng nếu căn cứ theo tính chất có thể chia làm ba loại: cảm giác dễ chịu (lạc thọ), cảm giác khó chịu (khổ thọ) cảm giác trung tính (bất khổ bất lạc thọ).
Hạnh phúc chính là cảm giác dễ chịu hay lạc thọ. Khi cảm nhận một cảm giác dễ chịu như một cảm giác hình ảnh đẹp, một cảm giác vị ngon, một xúc chạm êm ái… con người thích thú các cảm giác dễ chịu đó thì đó là Hạnh phúc. Khi thích thú (tham) các cảm giác dễ chịu hay lạc thọ, thì hành vi thích thú thuộc về nội tâm do ý tiếp xúc với pháp phát sinh nơi tế bào thần kinh não bộ nhưng lượng thông tin này (thích thú) được lưu vào “kho chứa” cụ thể là cấu trúc ADN của tế bào thần kinh não bộ (trong cấu trúc ADN có 20% số lượng gene chứa thông tin di truyền còn 80% lượng gene chứa các lượng thông tin về Tâm) và được dẫn truyền tới các tế bào trong cơ thể. Tại các tế bào nội tạng như tim, gan, phổi, thận, ruột non. Ruột già, dạ dày … sẽ có sự tiếp xúc giữa lượng thông tin này và lượng thông tin trong tế bào của một nội tạng tương ứng làm phát sinh một cảm giác dễ chịu. Cảm nhận Hạnh phúc chủ yếu là cảm nhận cảm giác dễ chịu do nội xúc này gây nên. Như vậy Hạnh phúc chính là cảm giác dễ chịu do ngoại xúc và nội xúc gây nên, nó là Tâm chứ không phải là Cảnh. Hạnh phúc cũng vô thường, vô ngã (không có một cái Ta nào là chủ nhân của Hạnh phúc).

Khổ đau cũng là các cảm giác khó chịu. Khi thấy, nghe, cảm nhận các cảm giác khó chịu thì con người chán ghét, lo lắng, sợ hãi, sầu bi khổ ưu não. Những hành vi như chán ghét, lo lắng, sợ hãi, sầu bi khổ ưu não phát sinh do ý tiếp xúc với pháp tại các tế bào thần kinh não bộ. Những thông tin này được lưu vào ADN của tế bào thần kinh não bộ và được truyền dẫn đến ADN của các tế bào khắp cơ thể. Tại các tế bào nội tạng tương ứng như tim gan, phổi, thận, lá lách, dạ dày… phát sinh một nội xúc.. Do các nội xúc này mà phát sinh những cảm giác khó chịu. Tuy các cảm giác do nội xúc này phát sinh nơi nội tạng rất vi tế nhưng nó lại cực kỳ khó chịu. Ví như khi ngồi thiền do hai chân đè lên nhau mà phát sinh một cảm giác đau có thể rất dữ dội, rất khó kham nhẫn đối với nó, nhưng nếu lúc đó có một con gì đó rất nhỏ, nhỏ hơn con kiến nhỏ nhất, bò lên mặt và do vậy phát sinh một cảm giác. Tuy cảm giác này rất nhẹ, rất vi tế nhưng nó khó chịu hơn nhiều lần so với cảm giác đau ở nơi chân. Cũng y như vậy khi thấy, nghe, cảm nhận một cảm giác khó chịu do ngoại xúc phát sinh thì sau đó sẽ cảm nhận một cảm giác khó chịu rất vi tế nhưng cực kỳ ghê gớm do nội xúc gây nên. Đây chính là cảm nhận khổ đau. Vì vậy khổ là Tâm chứ không phải là Cảnh, khổ cũng Vô thường, Vô ngã.

Một đôi tình nhân ngoại tình đang ôm nhau say đắm. Họ cảm nhận hạnh phúc và nghĩ rằng hạnh phúc là ở nơi thân thể của người kia (cảnh). Nếu đèn bật sáng, người nhà hay vợ chồng của họ xuất hiện thì Hạnh phúc biến mất và Khổ đau xuất hiện. Nếu Hạnh phúc ở nơi thân thể thì nó vẫn còn đó, nó đâu có thể biến mất và xuất hiện đau khổ như vậy. Vậy thì Hạnh phúc và Khổ đau nó chỉ là các cảm giác, nó là Tâm chứ không phải là Cảnh.


Tuệ tri sự nguy hiểm của hạnh phúc và khổ đau

hanh phuc kho dau 4Hạnh phúc hay đau khổ đều do tâm chúng ta tạo ra nên nó cũng vô thường. Tuệ tri như thật thì khổ đau được đoạn trừ và hạnh phúc sẽ được thăng hoa

Đối với kẻ phàm khi thấy, nghe, cảm nhận một Lạc thọ (hạnh phúc) thì khởi lên thích thú (thuật ngữ Phật học gọi là Tham), do có thích thú mà muốn có được nó và nắm giữ nó nên Ràng buộc với nó (thuật ngữ Phật học gọi là Thủ). Và như vậy khi Lạc thọ (hạnh phúc) vô thường, biến hoại, biến diệt, mất nó đi thì sầu bi khổ ưu não sẽ khởi lên.
Lạc thọ (hạnh phúc) ➡ Ràng buộc ➡ Sầu bi khổ ưu não (hoại khổ).

Nếu thấy, nghe, cảm nhận một Lạc thọ (hạnh phúc) mà không thích thú thì sẽ không Ràng buộc với Lạc thọ đó nên khi nó biến diệt (mất đi) sầu bi khổ ưu não không thể khởi lên. Vì vậy thích thú, tham ái hạnh phúc chính là nguyên nhân phát sinh đau khổ. Vì tham ái hạnh phúc mà tất cả nhân loại này đều sợ mất đi hạnh phúc vật chất và tinh thần đó chính là đau khổ và khi mất hạnh phúc thì lại càng đau khổ hơn.

Hiểu biết của nhân loại là có Hạnh phúc thì mới chấm dứt được Đau khổ. Nhưng sự thực là Hạnh phúc có thể chấm dứt được Đau khổ này nhưng nó lại làm phát sinh một Đau khổ khác. Cho nên Hạnh phúc chỉ là thay đổi một nỗi khổ này bằng một nỗi khổ khác mà thôi. Ví như một cô gái đã nhiều tuổi chưa có người yêu, chưa có chồng, cô ta khổ vì cô đơn. Khi cô ta có người yêu vừa ý, cưới làm chồng thì đó là hạnh phúc. Hạnh phúc này làm chấm dứt nỗi khổ cô đơn nhưng nó lại là nguyên nhân phát sinh muôn vàn nỗi khổ khác của đời sống gia đình, con cái. Tất cả nhân loại (ngoại trừ các bậc Thánh) đang sống nhằm thỏa mãn sự đòi hỏi của thân xác, thỏa mãn sự đòi hỏi của mắt tai mũi lưỡi thân ý, thỏa mãn sự đòi hỏi của ham muốn. Để thỏa mãn sự đòi hỏi đó phải có hạnh phúc vật chất và hạnh phúc tinh thần. Và để có được hạnh phúc vật chất và hạnh phúc tinh thần thỏa mãn được sự đòi hỏi đó thì không biết là bao nhiêu lao tâm khổ trí, không biết bao nhiêu cay đắng, sầu bi khổ não khởi lên.

Vì khao khát tìm cầu Hạnh phúc mà đời sống của nhân loại này xảy ra biết bao thảm cảnh. Cha tranh đoạt với con, con tranh đoạt với cha, vợ chồng tranh đoạt với nhau, người ta tạt a xít vào mặt nhau, người ta chế tạo và buôn bán ma túy để đầu độc nhau, người ta chế tạo ra bom đạn kể cả bom hạt nhân để tiêu diệt nhau. Vì khao khát và tìm cầu Hạnh phúc mà biết bao nhiêu lừa đảo, phá sản, sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, biết bao cuộc chiến tranh tàn sát lẫn nhau kể cả chiến tranh tôn giáo. Nhiều kẻ nghiên cứu ra biết bao hóa chất, chất kích thích… đang đầu độc đời sống nhân loại, đang tự hủy diệt mình. Vì khát ái tìm cầu Hạnh phúc mà biết bao cô hoa hậu bán dâm, thậm chí đứa con trai giao cấu với mẹ đẻ của mình, ông bố hiếp dâm đứa con gái sáu tuổi…Những thảm cảnh đó, những đau khổ đó của nhân loại phát sinh do khát ái tìm cầu Hạnh phúc.
Khát ái tìm cầu Hạnh phúc ở sự sống, sự hiện hữu (Hữu ái) làm phát sinh đau khổ khi mắc một chứng bệnh nặng, khi đối diện với cái chết đặc biệt nó là nguyên nhân phát sinh Thức tái sinh đưa đến khổ đau của luân hồi sinh tử.

Khát ái tìm cầu Hạnh phúc ở Phi hữu (Phi Hữu ái) tức chấm dứt sự sống, sự hiện hữu để hưởng thụ Hạnh phúc tuyệt đối nơi thiên đường cực lạc như những kẻ cực đoan đánh bom tự sát để khi chết xong linh hồn được lên thiên đường hưởng lạc thú với 72 tiên nữ trinh nguyên. Đây cũng là một trong những cách “Dục hỷ Niết bàn” cũng là căn nguyên của Khổ.
Như vậy nguyên nhân của Khổ đau: “Khát ái tìm cầu hỷ lạc (Hạnh phúc) chỗ này chỗ kia như Dục ái, Hữu ái, Phi hữu ái” như trong bài Kinh Chuyển Pháp Luân Đức Phật đã giảng.


Tuệ tri sự xuất ly của Thọ về hạnh phúc và khổ đau

hanh phuc kho dau 5Trao yêu thương sẽ nhận được nhiều hạnh phúc

Sự đoạn trừ tham, đoạn trừ sân, đoạn trừ si đối với các cảm thọ gọi là sự xuất ly của Thọ. Khi thực hành Tứ Niệm Xứ, lộ trình tâm Bát Chánh đạo khởi lên hành giả sẽ kinh nghiệm được các cảm thọ sinh lên rồi diệt đi nhưng không có tham đối với lạc thọ, không có sân đối với khổ thọ, không có si đối với bất khổ bất lạc thọ và cũng kinh nghiệm được không có dính mắc ràng buộc với các cảm thọ, không có khổ đau phiền não nào khởi lên. Khi các lộ trình tâm Bát chánh đạo khởi lên liên tục không gián đoạn, Bát tà đạo được nhiếp phục, không khởi lên thì trên các lộ trình tâm Bát chánh đạo, Chánh Tư duy khởi lên sẽ so sánh đối chiếu lộ trình tâm Bát chánh đạo hiện tại với các lộ trình tâm Bát tà đạo (có tham sân si, có dính mắc ràng buộc, có khổ đau phiền não xảy ra trước đây và được lưu vào kho chứa) và phát sinh kết luận. Kết luận này chính là cái biết ý thức, biết như thật gọi là Chánh kiến: không có tham sân si, không có ràng buộc, không có khổ đau phiền não, hay biết như thật trên Bát chánh đạo này vắng mặt tham sân si, vắng mặt khổ đau phiền não. Chánh kiến như vậy cũng được gọi là Tuệ tri Khổ diệt hay Tuệ tri Niết bàn. Trong cái được tuệ tri đó (niết bàn) chỉ là sự trống rỗng, sự không có mặt, sự vắng mặt cả Khổ đau lẫn Hạnh phúc. Vì rằng lộ trình tâm Bát chánh đạo không có tham sân si nên những nội xúc xảy ra nơi các tế bào nội tạng không có nên sự cảm nhận Hạnh phúc và Khổ đau cũng đều không có mặt.

Tuệ tri sự xuất ly của Thọ là biết như thật sự đoạn trừ Tham, đoạn trừ Sân, đoạn trừ Si đối với Thọ cũng có nghĩa là tuệ tri Khổ diệt (Niết bàn). Có thể có một thí dụ, qua thí dụ này nhiều người sẽ hình dung ra Khổ diệt (Niết bàn) là như thế nào. Một người trước đây bị ghẻ lở, hắc lào và khổ khởi lên vì nhân duyên đó. Khi bị khổ chi phối, người đó muốn hết khổ nên bôi thuốc, gãi, hơ lửa… và cảm nhận hạnh phúc sung sướng khi thực hiện các hành vi đó. Bây giờ người đó đã hoàn toàn khỏi bệnh, người đó biết rõ bây giờ cái khổ đó đã đoạn diệt, người đó biết rõ bây giờ hoàn toàn vắng mặt cái khổ đó và cũng biết rõ rằng trong sự vắng mặt cái khổ đó không có một thứ hạnh phúc gì cả. Người đó cũng chỉ cần sự vắng mặt khổ như vậy mà thôi (gọi là yên ổn) chứ không cần một thứ hạnh phúc gì để mà diệt khổ nữa. Tuệ tri Niết bàn là cái biết ý thức Chánh kiến, biết như thật: sự trống không, sự vắng mặt cả Khổ đau và Hạnh phúc. Kẻ phàm không tuệ tri Niết bàn, không biết như thật Niết bàn mà với cái biết ý thức Vô minh tà kiến: “có hạnh phúc mới chấm dứt được khổ đau” nên suy diễn Niết bàn phải là nơi có “Hạnh phúc tuyệt đối, phúc lạc toàn vẹn, pháp hỷ sung mãn…”

Kết quả tuệ tri sự xuất ly của Thọ về hạnh phúc và khổ đau

hanh phuc kho dau 6Hạnh phúc thay Đức Phật ra đời. Hạnh phúc thay giáo pháp cao minh...

Tuệ tri sự xuất ly của Thọ cũng đồng thời tuệ tri được con đường đưa đến sự xuất ly đó là Bát chánh đạo. Đây chính là tuệ tri Diệt đế và Đạo đế. Khi tuệ tri sự tập khởi, sự đoạn diệt của Thọ, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của Thọ cũng có nghĩa là giác ngộ Tứ Thánh Đế.



- Khổ Đế: Khổ khởi lên theo lộ trình tâm Bát tà đạo (Năm Thủ Uẩn là khổ), khổ là Tâm chứ không phải ở nơi hoàn cảnh.
- Tập đế: Nguyên nhân của khổ là khát ái tìm cầu hỷ lạc (hạnh phúc) chỗ này chỗ kia như dục ái, hữu ái và phi hữu ái.
- Diệt đế: Khổ diệt nay Niết bàn là sự vắng mặt của khát ái, sự vắng mặt của cả Khổ đau và Hạnh phúc.
- Đạo đế: Là Bát chánh đạo.



Sự giác ngộ của Đức Phật chỉ có như vậy, như đã được Ngài tuyên bố ở Kinh Phạm Võng: "Những sở kiến, chấp trước, chấp thủ sẽ đưa đến cõi thú như vậy, sẽ tác thành những định mạng như vậy. Như Lai tuệ tri như vậy và Ngài còn tuệ tri hơn thế nữa và Ngài không chấp sở tri ấy. Nhờ không chấp trước sở tri ấy, nội tâm được tịch tĩnh. Ngài như thật tuệ tri sự tập khởi, sự diệt trừ của các thọ, vị ngọt, những nguy hiểm và sự xuất ly của chúng. Nhờ tuệ tri như vậy, này các Tỷ kheo, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có chấp thủ" (Trường Bộ kinh, Kinh Phạm Võng, trang 37). Tuy có vẻ đơn giản như vậy nhưng lại là pháp sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu vượt ngoài tầm của mọi tư duy lý luận suông, tế nhị và chỉ có người trí mới có khả năng nhận hiểu. Còn quần chúng này đam mê ái dục, bị ái dục ràng buộc nên lý Duyên khởi là một điều rất khó lãnh hội và Niết bàn, sự chấm dứt khát ái, sự vắng mặt cả Khổ đau và Hạnh phúc cũng là một điều rất khó lãnh hội. Đã là đệ tử của Đức Thế Tôn, chúng ta hãy chú tâm vào những điều mà Ngài đã tuệ tri, đã giác ngộ. Còn nếu chúng ta rời xa những cái thấy, cái biết đúng như thật về Khổ, Tập, Diệt, Đạo để đi tìm một cái hiểu biết vi diệu, cao siêu, siêu việt, bất khả tư nghì nào khác để thành Phật thì đó là đang đi tìm “lông rùa, sừng thỏ” và đó chỉ là Dục hỷ Niết bàn và cũng chính là căn nguyên của mọi khổ đau trong cuộc sống.

(Tỷ Kheo Nguyên Tuệ)