Phương Thuốc Trị Tâm…!
- Đạo pháp
- Lượt xem: 968
Mười vị thuốc trị tâm
Những ai muốn sửa sang việc nhà, trị yên việc nước, học theo chánh đạo, tu dưỡng thân mình… thì trước hết nên dùng mười vị thuốc hay của ta, sau mới có thể thành tựu.
Mười vị đó là gì? Đó là:
1. Lòng tốt: một đoạn
2. Từ tâm: một tấm
3. Ôn hòa nhu thuận: nửa lượng
4. Đạo lý: ba phân
5. Tín hạnh: rất cần thiết
6. Lòng trung trực: một khối
7. Hiếu thuận: mười phân
8. Chân thật: một tấm
9. Phước nghiệp: dùng trọn
10. Phương tiện: gia giảm tùy ý
Liều lượng và cách dùng phương thuốc trị tâm
Cho mười vị ấy chung vào loại nồi khoan dung mà sao, không được nôn nao, không được gấp rút, khử bớt ba phần tánh nóng, rồi để lại vào loại chậu bình đẳng mà nghiền cho thật nhỏ, dùng loại bột cân nhắc, thận trọng và trộn đều với sáu ba-la-mật mà vò thành viên hoàn cỡ hạt Bồ-đề.
Mỗi ngày dùng 3 lần, lúc nào cũng được. Dùng chất nước dẫn thuốc là hòa khí để đưa xuống.
Nếu dùng đúng như vậy, không bệnh nào không khỏi.
Kiêng kị của phương thuốc trị tâm
Thuốc này kiêng kỵ:
1. Nói lời thanh bai mà hành động xấu xa
2. Mưu lợi cho mình mà tổn hại người khác
3. Lén lút hại người
4. Lòng dạ ác độc
5. Ngoài miệng cười đùa trong lòng mưu hại
6. Cư xử như rắn hai đầu
7. Vô cớ gây ra xung đột
Bảy việc vừa kể trên rất nguy hiểm cho nên phải mau mau ngăn giữ.
Lợi ích của phương thuốc trị tâm
Mười vị thuốc này nếu dùng trọn vẹn thì có thể được phước lớn, tuổi thọ dài lâu, cho đến thành Phật, làm Tổ. Nếu chỉ dùng trong ấy chừng bốn, năm vị cũng được dứt tội, sống lâu, tai qua nạn khỏi.
Như không dùng bất cứ vị nào trong phương thuốc này, thì về sau có hối hận cũng chẳng ích gì. Khi ấy, dù có thần y như Biển Thước, Lư Y, chỉ e bệnh đã quá trầm trọng nên khó lòng trị liệu. Dù có cầu đảo trời đất, khấn vái thần minh cũng chẳng được gì.
Huống chi phương thuốc ấy, người uống chẳng sợ lầm, chẳng tốn tiền mua, chẳng nhọc công sắc nấu! Vì sao lại không chịu uống?
Thuốc này tuyệt diệu hợp cơ mầu,
Thần y tái thế cũng chẳng cầu.
Khuyên khắp thiện nam cùng tín nữ,
Mau mau dùng lấy, chớ ngờ lâu.
( Trích: Quy Nguyên Trực Chỉ - Đại Sư Vô Tế )