Lương y Phan Văn Nghiệp
- Thông tin
- Lượt xem: 8364
Vị Lương y và Cây Nhang Thảo Dược
Chí Nhân
Bài viết được đăng trên báo Giác Ngộ 5-8-2016 (3-7 Bính Thân) 857
Có bằng đại học ngoại ngữ và marketing nhưng lại đang dấn thân vào con đường y học – Đông y, vị Lương y Phan Văn Nghiệp đang từng ngày chữa bệnh ( từ thiện ) cứu người. Ngoài các dạng thuốc cao, đơn, hoàn, tán truyền thống ông còn sáng chế ra một dạng thuốc mới sử dụng thông qua đường hô hấp – đó là nhang thơm thảo dược.
Từ thiện có trách nhiệm
Tôi gặp Lương y Phan Văn Nghiệp theo lời giới thiệu của một người quen. Hơi bất ngờ khi thấy ông còn khá trẻ - chưa đầy 40 tuổi, so với suy nghĩ ban đầu của tôi về một thầy thuốc Đông y. Ấy vậy mà ông đã có hơn 10 năm theo nghề thuốc và khoảng 4 năm mở phòng khám riêng. Tóc cắt rất ngắn, khiến tôi liên tưởng đến những thầy tu năm bảy ngày chưa cạo tóc lại – ông là một tín đồ của Phật giáo, tu tại gia. Tôi ấn tượng nhất là đôi tai khá to và trái tai dài của ông. Tôi thường nghe các vị sư khen những người có lỗ tai như vậy là đẹp vì nó giống tai của Đức Phật.
Thầy Nghiệp cho biết, ông vừa đi khám bệnh ở Bến Tre về. Trong nhiều năm qua, cứ đều đặng 3 tuần một lần ông về phòng mạch của mình ở xã An Bình Tây, Huyện Ba Tri, Tỉnh Bến Tre để khám bệnh cấp thuốc cho bà con. Ông chọn mở phòng khám ở Ba Tri vì đây là nơi chôn nhau cắt rốn của ông. Trị bệnh theo Đông y là phải có một quá trình như thế, nên nếu vì một lý do gì đó mà bệnh nhân không được theo dõi, uống thuốc không đúng định kỳ sẽ ảnh hưởng đến cả quá trình điều trị. Mỗi lần như vậy kéo dài 3 ngày, mỗi ngày như vậy ông đều phải làm việc từ sáng đến tận 8 – 9 giờ tối. Có vài trăm bệnh nhân của huyện Ba Tri và các địa phương lân cận đến nhờ ông trị bệnh. Ông kể, có lần bị thương do tai nạn, đi lại rất khó khăn nhưng đúng lịch cũng phải ráng “bò” về để điều trị bệnh cho bà con. Nếu mình không đi thì họ không có thuốc uống, sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng.
Mở phòng khám mà không treo biển, nhưng ông có khá nhiều bệnh nhân do biết tiếng mà họ tự tìm đến và có lòng tin vào Đông y. Thầy Nghiệp tâm sự, “cùng một căn bệnh, nếu có người đưa 10 triệu và người không có đồng nào thì 2 phần thuốc tôi bóc cho họ cũng giống nhau. Tôi không bao giờ đặt cái tâm kinh tế vào việc khám bệnh bóc thuốc mà tôi luôn tâm niệm trị bệnh là để giúp người cứu đời”. Ở quê, đa phần là bà con nghèo nên phần lớn là trị bệnh theo tuỳ tâm, tuỳ hoàn cảnh mà họ ủng hộ . Nhưng nhờ cái tâm chân chính của mình được nhiều người biết, nên mọi người thường ủng hộ tiền để tôi mua thuốc để chia sẻ lại cho những hoàn cảnh đầy bất hạnh hơn.
Ngoài phòng khám trên ông còn phòng khám khác ởkhu K300, Phường 12 (Tân Bình, TP HCM).
Thầy Nghiệp đến với nghề thuốc như là duyên số. Ông ngoại của Nghiệp từng là thầy thuốc Đông y. Ông ngoại mất khi Nghiệp còn bé nên không học được gì từ ông nhưng có lẽ do di truyền nên thầy Nghiệp có đam mê với nghề này từ bé. Lớn lên, Nghiệp đi học rồi đi làm trong lĩnh vực Marketing. Số phận đưa đẩy Nghiệp gặp một thầy Đông y ở Tây Ninh. Được thầy tận tâm truyền nghề theo “kiểu cầm tay chỉ việc”, sau đó Nghiệp theo học thêm một khóa chính quy về Y học dân tộc. Có bằng cấp chính quy, năm 2009, thầy Nghiệp tự đứng ra mở phòng khám.
Với trên 10 năm trong nghề, tuy không phải là dài với nghề y nhưng cũng không phải là ngắn nhất là với một người không ngừng tìm hiểu, nghiên cứu như thầy Nghiệp. “Trong Đông y, một lương y giống là một bác sĩ đa khoa và dĩ nhiên mỗi người cũng có một sở trường riêng. Hiện nay, tôi có thể trị được nhiều loại bệnh đưa trở lại một cơ thể bình thường sau một quá trình điều trị lâu dài, trong đó có nhiều loại bệnh nặng như: đau nhức, gai cột sống, gan nhiễm mỡ, tiểu đường, huyết áp, viêm xoang…”, lương y Nghiệp tự tin. Nhưng vẫn còn đó những thổn thức, suy tư và trăn trở về căn bệnh hiểm nghèo như: Ung Thư giai đoạn cuối, …và đau lòng trước cảnh một người Thầy chưa thể hoá giải được nổi đau kia. “ Tôi vẫn quyết tâm không ngừng nghiên cứu để điều trị căn bệnh hiểm nghèo này và mong sao sẽ tìm ra được liệu pháp sớm nhất…” Thầy Nghiệp tâm sự như thế!
Nhang thảo dược – thuốc để ngửi
Trong nghề thuốc của mình, thầy Nghiệp đã tiến một bước quan trọng khi chế tạo ra một dạng thuốc mới để ngửi – nhang thơm thảo dược. “Nhang thơm thảo dược ra đời nhằm phục vụ cho đời sống tâm linh, bởi tâm linh chính là giá trị tinh thần cho mỗi chúng ta. Nó đã len lỏi vào cuộc sống đời thường một cách rất tự nhiên, như mạch máu trong cơ thể của chúng ta. Và cũng chính từ giá trị đó mà chúng tôi tìm ra giải pháp để đưa hương vị ấy, như một phương pháp điều trị một cách rất tự nhiên trong cuộc sống đến với mọi người. Cây nhang thơm thảo dược giúp hỗ trợ một phần cho quá trình điều trị căn bệnh viêm xoang”, Lương y Nghiệp nói về giá trị của cây nhang thảo dược.
Nếu như trong Đông y, trước nay có các dạng thuốc: cao - được bào chế dưới dạng cô đặc lại, đơn - thuốc thang để sắc uống, hoàn – dạng viên, tán – thuốc dạng bột thì nhang thơm thảo dược là một dạng thuốc để ngửi.
Không giống như những loại hương bình thường được làm bằng mạt cưa, lá gòn, hóa chất và hương liệu, nhang thảo dược được bào chế 100% từ thảo mộc với hơn 27 vị thuốc đông y nên có mùi thơm tự nhiên như trầm hương. Khi đang nói chuyện, như để chứng minh ông mở hộp lấy ra một cây rồi đưa lên miệng cắn ăn một cách ngon lành.
Thầy Nghiệp kể, trong một lần ngồi thiền trước bàn Phật, tôi bị khói nhang xộc vào mũi rất khó chịu, gây hắt hơi. Vậy là trong đầu tôi nảy ra một suy nghĩ phải tạo ra một loại nhang nào đó mà không gây hại cho sức khỏe. Tôi liền nghĩ đến việc nghiền nhuyễn các loại thảo dược để làm nhang sẽ có lợi cho hô hấp. Tôi liền xả thiền và bước xuống phòng dược liệu bắt đầu công việc nghiên cứu bào chế. Căn cứ trên đặc tính của các loại thảo dược tôi đã nghiên cứu bào chế ra loại hương thảo dược với công thức gồm hơn 27 loại thảo dược để có mùi hương tự nhiên như trầm hương.
Vậy vấn đề chất keo để tạo sự kết dính, màu để nhuộm chân nhang thì thầy làm sao? – tôi đặt vấn đề. “Cũng hoàn toàn tự nhiên”, vị lương y khẳng định. Rồi ông giải thích: Đây cũng là khâu làm tôi rất đau đầu. Quá trình nghiên cứu làm nhang thảo dược của tôi mất 7 ngày thì riêng phần nghiên cứu bào chế ra chất keo, liều lượng ra sao mất đến 3 ngày. Cuối cùng tôi cũng chọn được 2 loại thảo dược có chất keo và có mùi hương phù hợp để đưa vào sản xuất. Còn phần màu để nhuộm chân nhang thì tôi dùng phẩm màu dùng trong y tế. Do đó, có thể khẳng định sản phẩm này hoàn toàn không gây hại cho sức khỏe và hỗ trợ hô hấp, điều trị viêm xoang.
Cây nhang thảo dược đã có mặt trên thị trường khoảng hơn 8 năm nay. Hiện có 6 loại là: Tịnh Tâm Hướng, An Lạc Hương, Tuệ Giác Hương, Hoa Tâm Hương, Thông Lạc Hương, Ngộ Chân Hương do Doanh Nghiệp Đông Dược Phương Anhsản xuất, với các hình thức như: nhang tháp, nhang vòng, nhang cây. Sản phẩm của ông ngày càng được thị trường ưa chuộng với doanh thu mỗi tháng trên 500 triệu đồng.
Và hiện nay, Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh Đông Dược Phương Anh đã cho ra đời thêm những dòng sản phẩm mới, nhằm phục vụ cho đời sống giá trị tinh thần của con người, đó là: rượu thuốc xoa bóp, trà thảo dược, nước giải khát thảo dược, thực phẩm chức năng và thuốc đông y đa dạng để điều trị bệnh mang thương hiệu: Thảo dược Phương Anh. Tất cả đều do Lương y Phan Văn Nghiệp bào chế.
Một đồng chia làm tư
Là một tín đồ Phật giáo nên mọi suy nghĩ, hành động của ông đều bị ảnh hưởng bởi giáo lý nhà Phật, trong kinh doanh cũng vậy. Ông kể, ngày xưa Đức Phật có dạy một người thương buôn thế này: Ngoài một số nghề như trộm cắp, giết mổ, cho vay nặng lãi, chủ nhà chứa... là không nên làm, còn lại nghề nào mà mang đến lợi ích cho mình và cho người đều là nghề tốt cả. Nếu con làm ăn chân chính là thu được một đồng thì con nên chia làm 4; một phần để lo cho gia đình vợ con, một phần để tích lũy, một phần để phát triển công việc làm ăn và phần còn lại dành làm việc thiện cho thiên hạ. Ấy chính là tu!
Từ khi cho ra đời sản phẩm nhang thảo dược Lương y Nghiệp luôn làm theo lời dạy ấy của Đức Phật. Ông dành ra một phần tiền kiếm được từ việc bán nhang để mua thảo dược phục vụ cho việc khám chữa bệnh từ thiện của mình.
Lương y Nghiệp còn thành lập trang web:vanhoatamlinh.com.vn để cập nhật lịch khám chữa bệnh cho những người quan tâm, tiện lợi việc theo dõi và chia sẽ những kiến thức kinh nghiệm trong nghề thuốc, Phật Pháp đến với mọi người. Ông luôn tâm niệm, “ta không tìm đến cái khổ, nhưng nếu cái khổ tự tìm đến với ta thì ta không né tránh, ta không chối từ bởi đó là duyên nghiệp của nhau. Nếu bệnh nhân đã tin tưởng tìm đến nhờ ông điều trị thì ông sẽ cố gắng trị cho họ hết bệnh mới thôi”.
Cuộc sống vẫn còn đó những yêu thương, những sẻ chia cho những hoàn cảnh còn bất hạnh, còn lắm khổ đau…tất cả đã đọng lại trong tôi khi được gặp Thầy!
C.N