Kinh thủ thiếu âm tâm
- Kinh Âm
- Lượt xem: 1095
KINH THỦ THIẾU ÂM TÂM
(mỗi bên có 9 huyệt)
A. Đường đi: Bắt đầu từ tim, đi vào hệ thống tổ chức mạch quanh tim (tâm hệ) qua cơ hoành, liên lạc với Tiểu trường. Từ tổ chức mạch quanh tim, lên phổi, ngang ra đáy hố nách, dọc bờ trong mặt trước chi trên, đi phía trong hai kinh Thái âm và Quyết âm ở tay, dọc bờ trước ngoài ngón tay út, ra ở đầu ngón (phía ngón cái) tay út và nối với kinh Thái dương Tiểu trường ở tay.
+ Phân nhánh: Từ tổ chức mạch quanh tim, dọc cạnh thanh quản lên thẳng tổ chức mạch quanh mắt (mục hệ)
B. Biểu hiện bệnh lý:
* Kinh bị bệnh: Vai, mặt trong chi trên đau, gan tay nóng hoặc lạnh, mồm khô, khát muốn uống nước, đau mắt.
* Tạng bị bệnh: Đau vùng tim, nấc khan, sườn ngực đau tức, chứng thực thì phát cuồng, chứng hư thì bi ai, khiếp sợ.
C. Trị các chứng bệnh: Ở tim, ngực, tâm thần.
CỰC TUYỀN
Vị trí: - Ở động mạch đi vào ngực, trong hố nách, giữa các gân (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)
- Tay dơ ngang lấy huyệt ở đỉnh hõm nách, sau gân cơ hai đầu và cơ quạ cánh tay trước động mạch nách (lần theo đường đi của cơ hai đầu cánh tay lên đỉnh nách sẽ sờ tìm được động mạch)
Giải phẫu: Dưới da là khe giữa động mạch nách, và mặt sau gân cơ quạ cánh tay, gân cơ hai đầu (phần ngắn), trước nữa là mặt sau cơ ngực to, ở trên là đầu trên xương cánh tay. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh cơ-da cánh tay và thần kinh ngực to của đám rối cánh tay. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn D3.
Tác dụng:
- Tại chỗ và theo kinh: Đau ngực sườn, đau tim, tay lạnh đau, cánh tay không giơ được.
- Toàn thân: Lao hạch.
Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 3-5 phút.
Chú ý: Không vê kim để tránh tổn thương bó mạch thần kinh nách.
THANH LINH
Vị trí: - Ở trên khủyu tay 3 tấc (Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)
- Lấy ở rãnh cơ hai đầu trong, trên khớp khuỷu 3 tấc dơ tay lên đầu để lấy huyệt.
Giải phẫu: Dưới da là rãnh cơ hai đầu trong, cơ cánh tay trước, vách liên cơ trong, cơ rộng trong, xương cánh tay. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh cơ da và nhánh của dây quay. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D2.
Tác dụng:
- Theo kinh: Đau vai và cánh tay, đau sườn ngực, mắt vàng.
Cách châm cứu: Châm 0,3-0,7 tấc. Cứu 5-10 phút.
Chú ý: Người gầy có thể châm trúng bó mạch thần kinh trong rãnh cơ hai đầu.
THIẾU HẢI
(Huyệt Hợp thuộc Thủy)
Vị trí: - Ở mé trong khuỷu tay, phía ngoài xương to, cách đầu xương khuỷu tay 0,5 tấc (Đồng nhân, Phát huy, Đại thành, Tuần kinh)
- Lấy ở chỗ sát đầu trong nếp gấp khớp khuỷu tay, trước khối gân cơ bám vào mỏm đầu trên ròng rọc xương cánh tay (Gấp cẳng tay vào cánh tay để lấy huyệt)
Giải phẫu: Dưới da là chỗ bám vào xương của khối cơ trên ròng rọc, mặt trước mỏm trên ròng rọc (hay mỏm trên lồi cầu trong) xương cánh tay, phía trong khớp khuỷu. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh da cánh tay và dây thần kinh trụ. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D1.
Tác dụng:
- Tại chỗ: Khuỷu tay co rút.
- Theo kinh: Tay tê dại, bàn tay run, đau vùng tim.
- Toàn thân: Đầu váng, mắt hoa, hay quên, cuồng, tràng nhạc.
Cách châm cứu: Châm 0,3-0,7 tấc. Cứu 5-10 phút.
LINH ĐẠO
(Huyệt Kinh thuộc Kim)
Vị trí: - Ở trên cổ tay 1,5 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)
- Lấy ở trong khe của gân cơ trụ trước và các gân cơ gấp chung các ngón tay, trên huyệt Thần môn 1,5 tấc (nắm ngón tay, gấp bàn tay vào cẳng tay khe sẽ nổi rõ)
Giải phẫu: Dưới da là khe giữa cơ trụ trước ở trong và gân cơ gấp chung nông các ngón tay ở ngoài, bờ trong gân cơ gấp chung sâu các ngón tay, cơ sấp vuông, xương trụ. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh giữa và dây thần kinh trụ. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D1.
Tác dụng:
- Tại chỗ và theo kinh: Đau cẳng tay, đau và co khuỷu tay, đau vùng tim.
- Toàn thân: Kinh sợ, mất tiếng đột ngột.
Cách châm cứu: Châm 0,3-0,4 tấc. Cứu 10-15 phút.
THÔNG LÝ
(Huyệt Lạc với kinh Tiểu trường)
Vị trí: - Ở chỗ lõm sau cổ tay 1 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)
- Lấy ở trong khe của gân cơ trụ trước và các gân cơ gấp chung các ngón tay, trên huyệt Thần môn 1 tấc (nắm ngón tay và gấp bàn tay vào cẳng tay, khe sẽ nổi rõ)
Giải phẫu: Dưới da là khe giữa gân cơ trụ trước và gân cơ gấp chung nông các ngón tay, bờ trong gân cơ gấp chung sâu các ngón tay, cơ sấp vuông, xương trụ. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh giữa và dây thần kinh trụ. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D1.
Tác dụng:
- Tại chỗ: Đau cổ tay, đau cẳng tay.
- Theo kinh: Đau khuỷu tay, tim đập mạnh, hồi hộp.
- Toàn thân: Sốt, trong ngực bồn chồn, sốt không có mồ hôi, đau đầu, hoa mắt, cứng lưỡi, không nói được.
Cách châm cứu: Châm 0,3-0,4 tấc. Cứu 10-15 phút.
Chú ý: Kết hợp với Tâm du chữa nhịp tim không đều.
ÂM KHÍCH
(Huyệt Khích)
Vị trí: - Ở đường mạch sau cổ tay 5 phân (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)
- Lấy ở trong khe của gân cơ trụ trước và các gân cơ gấp chung các ngón tay, trên huyệt Thần môn 0,5 tấc (nắm ngón tay và gấp bàn tay vào cẳng tay khe sẽ nổi rõ)
Giải phẫu: Dưới da là khe giữa gân cơ trụ trước và gân cơ gấp chung nông các ngón tay, cơ sấp vuông, xương trụ. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh giữa và dây thần kinh trụ. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D1.
Tác dụng:
- Theo kinh: Ngực đầy tức, đau vùng tim, tim đập mạnh, hồi hộp.
- Toàn thân: Ra mồ hôi trộm, chảy máu mũi, nôn ra máu.
Cách châm cứu: Châm 0,2-0,3 tấc. Cứu 5-10 phút.
THẦN MÔN
(Huyệt Du thuộc Thổ, huyệt Nguyên)
Vị trí: - Ở sau bàn tay, chỗ lõm đầu xương đậu (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)
- Lấy ở chỗ lõm sát bờ ngoài gân cơ trụ trước và góc ngoài bờ trên xương đậu (duỗi ngửa bàn tay và nghiêng bàn tay vào phía trong, xương đậu và gân cơ sẽ nổi lên rõ)
Giải phẫu: Dưới da là gân cơ trụ trước, xương đậu và xương tháp. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh trụ. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D1.
Tác dụng:
- Tại chỗ: Lòng bàn tay nóng.
- Theo kinh: Đau vùng tim, tim đập mạnh, hồi hộp.
- Toàn thân: Mất ngủ, hay quên, ngớ ngẩn, động kinh.
Cách châm cứu: Châm 0,2-0,3 tấc. Cứu 5-10 phút.
Chú ý: Kết hợp với Tâm du, Nội quan, Dương lăng tuyền chữa nhịp tim không đều.
THIẾU PHỦ
( Huyệt Huỳnh thuộc Hỏa)
Vị trí: - Ở sau đốt gốc xương ngón tay út, giữa chỗ lõm hai xương giáp nhau, thẳng ngang với huyệt Lao cung (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)
- Nắm chặt các ngón tay, huyệt ở khe của các ngón tay nhẫn và út, trên đường văn tim ở bàn tay.
Giải phẫu: Dưới da là cân gan tay giữa, cơ giun, bờ trong gân gấp ngón nhẫn của cơ gấp chung nông và sâu, cơ gian cốt gan tay và gian cốt mu tay, bờ trong đầu dưới xương bàn tay 4. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh giữa và dây thần kinh trụ. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D1.
Tác dụng:
- Tại chỗ: Ngón tay út co quắp, lòng bàn tay nóng.
- Theo kinh: Đau khó chịu trong ngực, tim đập hồi hộp.
- Tòan thân: Sốt rét lâu ngày, đái dầm.
Cách châm cứu: Châm 0,2-0,3 tấc. Cứu 5-10 phút.
THIẾU XUNG
( Huyệt Tỉnh thuộc Mộc)
Vị trí: - Ở mé trong đầu chót ngón tay út, cách góc móng tay bằng lá hẹ (Đại thành, Tuần kinh)
- Lấy ở ngoài góc ngoài gốc móng tay út độ 0,2 tấc, trên đường tiếp giáp da gan tay- mu tay ở bờ ngoài ngón tay út.
Giải phẫu: Dưới da là giữa chỗ bám của gân ngón út cơ gấp chung sâu các ngón tay và gân ngón út, cơ duỗi chung các ngón tay, bờ ngoài của đốt 3 xương ngón tay út. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh trụ. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D1.
Tác dụng:
- Theo kinh: Đau vùng tim, đau cạnh sườn, tim đập mạnh, hồi hộp.
- Toàn thân: Cấp cứu trúng phong, sốt cao, vui giận thất thường.
Cách châm cứu: Châm 0,1 tấc (khi cấp cứu châm xong nặn ra 1 giọt máu). Cứu 3-5 phút.
Nguồn tin: Châm cứu học tập 1 ( Viện Đông Y) - Thảo Dược Phương Anh tổng hợp