Mùa Xuân & điều kỳ diệu từ trái tim biết ơn...!
- Góc suy ngẫm
- Lượt xem: 832
Tích tắc một năm với bao nhiêu biến cố và thăng trầm thênh thang trong tâm khảm mỗi người đã qua đi. Ngoài kia, hoa mai, hoa đào hé nở đón nắng ấm, tất cả người con đất Việt cũng vừa đón mùa xuân về trên đất mẹ. Nhân dịp này, hãy một lần quay đầu nhìn lại để bày tỏ lòng biết ơn, biết ơn ông bà, cha mẹ, biết ơn những người đã giúp đỡ mình, biết những khó khăn nghịch cảnh đã giúp ta hoàn thiện… và biết ơn nhiều hơn nữa. Bởi cái mới sẽ không thể tiếp tục sinh ra nếu nó không liên kết với cái cũ, sẽ không có một tương lai tươi đẹp nếu không có quá khứ huy hoàng, sẽ không có đất nước hòa bình nếu không được các bậc cha ông gầy dựng. Vì vậy, thay vì chúng ta hướng ra bên ngoài để thỏa mãn thú vui, thì nay hãy ngẫm về lòng biết ơn, bởi chính từ trái tim biết ơn sẽ mở ra cho chúng ta những cánh cửa kỳ diệu để sống một đời có ý nghĩa.
Lòng biết ơn được hiểu là tình cảm biết trân trọng, ghi nhớ công ơn của người khác dành cho mình, giúp đỡ mình vượt qua cơn hoạn nạn, khó khăn. Chính lòng biết ơn đã trở thành chuẩn mực nền tảng của đạo đức con người, thể hiện lối sống văn hóa, tình nghĩa, đoàn kết, gắn bó của dân tộc, con người Việt Nam từ bao đời nay. Từ đó, làm cho các mối quan hệ xã hội trở nên hiền hòa, ngày càng khăng khít, tốt đẹp hơn.
Chúng ta chỉ thể hiện lòng biết ơn khi có một ai đó cho mình thứ mình cần, đa số thuộc về vật chất mà chúng ta thường bỏ qua sự biết ơn về giá trị tinh thần, hay những khía cạnh đơn giản nhưng có giá trị sâu sắc trong cuộc sống. Hãy thử ngẫm lại, trong năm qua, ta đã nghĩ về tình thương cha mẹ bao nhiêu lần, bao nhiêu lần ta bày tỏ lời cảm ơn đến các cô chú đang ngày đêm đội nắng dầm sương để chống dịch. Chúng ta có bao giờ nghĩ lại tại sao cuộc sống vẫn yên bình, trong khi ngoài kia còn nhiều người kém may mắn hơn mình? Cứ như thế, chúng ta bỏ qua những điều giản đơn nhưng đầy mầu nhiệm ấy, rồi chẳng bao lâu nữa, chẳng mấy ai nhìn thấy sự kỳ diệu của trái tim biết ơn, nhân loại sẽ sống trong sự khô cằn của trái tim vô cảm.
BIẾT ƠN TỔ TIÊN
Đất nước hòa bình, cuộc sống bình yên ngày hôm nay đánh đổi bằng biết bao xương máu của ông cha ta. Vì vậy, trong từng tế bào của ta không chỉ là tiếp nối từ cha, mẹ mà còn là phần tiếp nối tâm thức, sứ mạng, tinh anh của Tổ tiên ngàn đời. Cho nên, Tết không chỉ là niềm vui đối với những thú vui bên ngoài, mà ẩn sâu bên trong là thời gian để chúng ta hướng về nguồn cội, về nơi chôn rau cắt rốn. Bởi người xưa đã dạy:
“Cây có cội mới đâm chồi nảy lộc
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu”.
Trong tâm thức người Việt, Tết dù ở xa đến mấy cũng phải trở về nơi chôn nhau cắt rốn, trở về báo đền công ơn của ông bà tổ tiên. Tục lệ “chạp mả” hay tảo mộ là một trong trong những tục lệ không thể thiếu của hàng hậu bối trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt. Đây là dịp con cháu từ khắp nơi tập trung về thể hiện lòng thành kính với tổ tiên bằng hành động nhổ cỏ, làm sạch và sửa sang lại mồ mả của các vị trong gia tộc. Thông qua phong tục này nhằm gắn kết con cháu trong gia đình, họ hàng và quê hương bản quán, giáo dục truyền thống cho con cháu trong dòng tộc nhớ về nguồn cội, ông bà, tổ tiên. Nhờ vậy mà bồi đắp cho tình cảm sâu nặng, thấy Tết càng thêm nhiều ý nghĩa. Dù ngàn xưa hay đến tận ngàn sau, chính đạo hiếu ấy sẽ là thước đo về “tính dân tộc” trong mỗi người con đất Việt.
Tết là dịp để gia đình sum họp và báo cáo với ông bà tổ tiên về công việc trong suốt một năm qua nên sau “chạp mã”, các gia đình Việt dù bận rộn cách mấy, cũng lo cho gian thờ tổ tiên tươm tất để thỉnh chư vị về đón xuân cùng con cháu. Đêm giao thừa, nhìn lên bàn thờ tổ tiên, phảng phất trầm hương quyện tỏa trong không gian ấm cúng, con cháu gửi những lời ước mong chân thành, mong một năm mới bình an, lắng đọng giữa thế sự nhiễu nhương này. Cho nên ngày đầu năm, chắp tay khấn nguyện trước gian thờ trang nghiêm, ta như cảm được nguồn năng lượng tâm linh từ tổ tiên nhiều đời, như cơn mưa tưới lên mảnh đất khô cằn. Tuy mơ hồ nhưng nó gửi gắm cho hàng hậu bối động lực để bước tiếp qua những giông tố của cuộc đời. Như lời thơ:
“… Tâm linh một thoáng bừng giao cảm,
lặng hết bao nhiêu lớp sóng cồn” [1].
Nhờ ý thức được tầm quan trọng của sứ mạng tổ tiên trao truyền, mà mỗi hành động, lời nói, ý nghĩ của ta đều hướng đến nhân loại, không làm khổ mình, khổ người. Chúng ta hôm nay cũng sẽ là một phần gốc rễ của con cháu tiếp nối mãi về tương lai. Đó chính là sự diệu kỳ khi mỗi con người đều ý thức được việc biết ơn tổ tiên mỗi khi xuân về.
Mỗi người con trong gia đình, nếu hằng năm được ông bà, cha mẹ dạy bảo về lòng biết ơn nguồn cội của mình, đây chính là nguồn mạch để phát triển văn hóa dân tộc, là chất liệu nuôi dưỡng tâm thức con người trong mỗi dịp năm mới tết đến. Bởi lớp bụi mờ của thời gian có thể làm con người lãng quên đi những phong tục tập quán đẹp, nhưng chính sự biết ơn này sẽ nuôi dưỡng sức mạnh tâm thức dân tộc và có giá trị cốt lõi làm nên tinh hoa văn hoá Việt.
BIẾT ƠN NHỮNG NGƯỜI ĐÃ GIÚP ĐỠ MÌNH TRONG NĂM QUA
Trong hành trình của năm qua, chúng ta đã sống trong sức mạnh của sự đoàn kết, quan tâm, giúp đỡ của tình yêu thương và lòng nhân ái từ lãnh đạo Chính phủ, từ các lực lượng quân đội, công an, ngành y tế, các ngành nghề khác nhau trong xã hội, và sự đồng hành của hàng chục triệu trái tim người Việt khắp mọi miền của Tổ quốc, trong và ngoài nước.
Cảm ơn cha, mẹ đã luôn bên cạnh khi những đứa con khờ dại, khó khăn và vất vả nhất. Khi còn bé, từng bữa ăn, giấc ngủ, ta đều được cha mẹ quan tâm, nhắc nhở, chúng ta thường cho đó là điều hiển nhiên và ta trở nên thờ ơ với cha mẹ, cáu gắt với những lời quan tâm, quay mặt với sự nhắc nhở. Lớn lên rồi mới biết, ra đời sống và làm việc mới thấy cuộc đời khắc nghiệt đến nhường nào, ta mới nhận ra: chỉ có cha mẹ là người yêu thương ta vô điều kiện. Không ai nhịn đói cho ta no, không ai chịu bất hạnh cho ta hạnh phúc, ngoài hai người họ. Cha, mẹ là những người luôn cho ta những thứ tốt đẹp nhất mà không bao giờ cần chúng ta đền đáp. Vì vậy, hãy cảm thấy mình còn may mắn và hạnh phúc khi còn cha, mẹ cùng đồng hành bên mình và dịp Tết về, đừng quên nói một lời cảm ơn đến họ.
Ngoài tình thương yêu từ gia đình, cuộc sống của ta được ghép lên từ những mảnh ghép của tình bạn, của tình thầy trò gắn bó, tình đồng nghiệp, tình làng, nghĩa xóm,… đã quan tâm và giúp đỡ để ta có một cuộc sống trọn vẹn. Không ai trong cuộc đời có thể vượt qua tất cả mọi thứ mà không nhờ sự động viên, sự giúp đỡ từ người khác. Hãy cảm ơn họ đã không bỏ mình trong lúc tuyệt vọng. Trong đại dịch COVID-19 vừa qua mới thấy, tình tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam thắm thiết đến nhường nào. Có những con người dẫu không ruột thịt, thậm chí còn không quen biết vẫn yêu thương, giúp đỡ ta, chăm lo từng suất ăn cho những người mắc kẹt vì dịch, góp phần làm nên một cuộc sống văn minh và nồng ấm tình người. Hoặc có những người thầy, người bạn đã cùng sát cánh bên cạnh giúp đỡ mình, lôi mình ra khỏi vũng lầy của tội lỗi, hướng mình đến tương lai tươi sáng. Hay những người không may xảy ra tai nạn trên đường, được người khác cứu giúp kịp thời… và nhiều sự giúp đỡ mầu nhiệm trong cuộc sống đời thường này hơn nữa… Hãy một lần ngẫm lại để thấu hiểu nếu không có họ tận tâm tận lực giúp đỡ thì ta có vượt qua khó khăn, thành công như hôm nay không.
Còn nhiều lời cảm ơn đến những người đã và đang hy sinh thầm lặng, ngày đêm miệt mài lao động để đem lại cuộc sống yên bình, ấm no trên mảnh đất quê hương. Hãy thầm biết ơn họ bằng chính trái tim của mình, bởi khi chúng ta sống giữa một xã hội biết ơn, chính sự biết ơn đó sẽ là sự diệu kỳ gia tăng sự gắn kết giữa mọi người với nhau.
BIẾT ƠN VẠN VẬT
Con người từ khi sinh ra cho đến khi nhắm mắt lìa đời luôn có sự đồng hành, che chở của thiên nhiên. Bởi sự sống của loài người đều được duy trì bằng những thứ dinh dưỡng đến từ thiên nhiên, cho nên thiên nhiên như người mẹ chở che và bao dung chúng ta. Nhưng con người mấy ai hiểu được ý nghĩa cao quý đó. Vì vậy, nhân dịp xuân về, hãy cùng lấy hoa mai làm ví dụ điển hình để thấy thiên nhiên đã ban tặng cho con người những gì?
Ai cũng biết rằng hoa mai là loài hoa tượng trưng rõ nét và đầy đủ nhất cho cái đẹp và ý nghĩa của mùa xuân. Nhưng mấy ai biết sự kiêu dũng của nó giữa cái lạnh buốt của trời đông, để kịp đến mùa xuân nở từng chùm hoa, tỏa mùi hương dịu dặt, phải trải qua một khoảng thời gian khắc nghiệt đến nhường nào. Thiền sư Hoàng Bá – Hy Vận [2] có bài thơ như sau:
“Trần lao quýnh thoát sự phi thường
Hệ bã thằng đầu tổ nhất trường
Bất thị nhất phiên hàn triệt cốt
Tranh đắc hoa mai phốc tỷ hương”.
Dịch:
“Vượt cõi trần lao việc chẳng thường
Đầu dây nắm chặt giữ lập trường
Chẳng phải một phen xương lạnh buốt
Hoa mai đâu dễ ngát mùi hương”.
Để đổi lấy một cánh mai vàng tươm trong sắc xuân, chúng đã trải qua một mùa giá rét, chịu đựng cái lạnh buốt thấu xương qua mưa bão của mùa đông dài dặc đen tối. Sau đó, những cành mai lại đua nhau nở rộ để làm đẹp cho cuộc đời, khoe sắc diễm kiều phô diễn hết vẻ đẹp của màu hoa trong ngày tết. Những chùm hoa vàng tinh khiết, mầu nhiệm kia như được tích tụ từ nỗi giá lạnh, giông bão vùi dập mà không hề nao núng; để mở sáng một mùa xuân ấm áp, hạnh phúc cho muôn loài. Nếu cây mai không chống chọi được một mùa đông giá lạnh thì làm sao kết được những cánh hoa mới lạ tinh anh kia. Sự nhiệm mầu vô tận mà thiên nhiên đã lặng thầm ban tặng cho con người là thế đó. Nếu hiểu được như vậy, chúng ta sẽ càng trân quý muôn hoa cây cỏ biết bao nhiêu.
Chỉ một ví dụ về hoa mai thôi, cũng đã thấy sự kiên trì của nó như vậy, huống hồ cả thiên nhiên này đều đang ra sức để bảo vệ chở che cho con người chúng ta. Sau một năm trải qua nhiều thăng trầm dâu bể, đôi lúc chúng ta quên đi dù mình có đối xử với thiên nhiên như thế nào đi chăng nữa, mẹ thiên nhiên vẫn luôn ở đó để làm đẹp cho cuộc đời của mình. Một năm đã vội vã rồi, mỗi người hãy dành cho nhau những ngày xuân về để tập sống chậm lại, chậm lại để lắng nghe từng hơi thở của mình được ban tặng bởi khí trời, chậm lại để nghe tiếng chân đang bước trên mảnh đất quê hương, chậm lại để thầm cảm ơn sự kỳ diệu của muôn vật.
BIẾT ƠN NGHỊCH CẢNH
Khi nói đến mùa xuân là nói đến sự tươi đẹp, an lành. Thế nhân thường mượn mùa xuân để nói đến cuộc sống tươi vui đầy sức sống vươn lên. Nhưng không phải lúc nào mọi việc đều xảy ra một cách thuận lợi như chúng ta hằng mong đợi, mà luôn đầy sự thử thách với những trái ý nghịch cảnh. Có thể thấy được, chúng ta ngày nay đang sống trong một thế giới có quá nhiều biến động, chiến tranh, dịch bệnh, cháy rừng, biến đổi thời tiết,… xảy ra triền miên. Lòng người không khỏi xốn xang trước bao cảnh thương tâm. Nhưng tại sao ta lại phải biết ơn nghịch cảnh?
Bản chất của cuộc đời luôn xoay chuyển theo quy luật biến đổi, giông bão cũng có ngày lặng yên, sau cơn mưa trời sẽ lại sáng. Người chưa trải qua một lần thăng trầm sẽ không thể thấu được ý nghĩa của cuộc đời. Cũng vậy, nghịch cảnh không chỉ khiến cho nhân loại bị ảnh hưởng về kinh tế, sức khỏe, mà còn giúp cho con người mở ra những điều kỳ diệu mà bấy lâu nay đã đi vào quên lãng. Ví dụ, qua nỗ lực chúng tay chống đại dịch và phục hồi, phát triển kinh tế mà sự gắn kết của con người với nhau thắm thiết hơn. Chúng ta quý trọng từng hơi thở, tình thân trong gia đình, bỏ qua mọi hơn thua, ganh tỵ, sống chan hòa với mọi người.
Chính nghịch cảnh sẽ là bước đệm cho chúng ta thay đổi. Cũng như khi cơn lũ đi qua sẽ để lại phù sa nuôi cây cối xanh tốt và phát triển. Đức Phật trước khi giác ngộ cũng phải trải qua sáu năm thực hành khổ hạnh, suýt nữa phải đánh đổi mạng sống của mình, nhưng nhờ vậy mà Ngài mới tìm ra được con đường đạt đến đạo quả giác ngộ trên thế gian, lưu truyền ngàn đời. Vì vậy, khi gặp những điều làm trái ý nghịch lòng, chúng ta hãy biến đau thương thành động lực để có những suy nghĩ tích cực, chính sự cùng cực của khổ đau, sự ngăn cản bởi chướng duyên đôi khi cũng giúp cho chính mình nâng cao giá trị.
Khi được tôi luyện giữa phong ba bão tố, trải qua nhiều nhọc nhằn hay môi trường khắc nghiệt thì như một viên ngọc lấp lánh, nhờ được mài dũa chăm chút mà tỏa sáng. Vì vậy, ngay lúc này, hãy thay đổi suy nghĩ tích cực hơn, hãy xem nghịch cảnh như là động lực chinh phục và bước gần hơn đến mục tiêu của mình.
SỐNG ĐỜI AN NHIÊN
Thời gian trôi qua, mọi thứ đều vô thường biến đổi, chỉ còn lại niềm vui khi nhìn lại một chặng đường đã qua, ta đã bỏ đi những tánh bất thiện và học thêm nhiều bài học để yêu người, yêu đời. Hãy để:
“Tháng năm thênh thang còn lại
Vẫn tươi một cành hoa mai”. [3]
Nhìn vào thế sự ngổn ngang, ta cảm thấy thế giới chỉ biến động khi tâm con người biến động. Chúng ta thường buồn khi đông đến và hân hoan khi xuân về. Bởi thường bám chặt vào những suy nghĩ giới hạn, cho nên tự ràng buộc mình vào những quy luật cứng nhắc mà đưa đến biết bao hệ lụy. Không biết rằng tất cả con người và sự vật trên thế gian này đều bị chi phối bởi quy luật vô thường. Thiền sư Mãn Giác có thơ rằng:
“Xuân đi trăm hoa rụng,
Xuân đến trăm hoa nở,
Trước mắt việc đi mãi,
Trên đầu già đến rồi…”.
Cái nhìn về sự vô thường của Thiền sư vô cùng sâu sắc. Vì thế sự đổi thay, nếu chúng ta không giác ngộ ra điều đó, thì ta sẽ vì sự biến hoại đó mà khổ. Con người tự mình đẩy chính mình vào những nỗi bất an, là nguyên nhân chính đưa đến các xung đột. Vì vậy, dù trước một mùa đông giá lạnh hay một mùa xuân ấm áp cũng nằm trong dòng sanh diệt, ta vẫn an nhiên thưởng thức vẻ đẹp của riêng chúng, chớ có bận lòng mà sanh tâm luyến ái. Cho nên, Ngài căn dặn:
“Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua, sân trước một nhành mai”.
Các vị Thiền sư sống an lạc, tự tại giữa cuộc đời đầy dẫy biến động là như thế. Các Ngài không phải là những người vô cảm với cảnh quan thiên nhiên như đất đá mà người đời sau đã gán ghép. Dù vẫn cảm nhận sâu sắc và thưởng thức cảnh đẹp, nhưng khác với hạng phàm phu, các Ngài biết mùa xuân đến mùa xuân lại đi, mùa xuân đi mùa xuân lại về, nên vẫn giữ nội tâm thanh tịnh, an lạc không có sự quyến luyến mà khổ đau. Đây chính là tinh thần “Tùy duyên bất biến, bất biến mà tùy duyên”.
Chúng ta bởi chưa thấu rõ sự vận hành của vũ trụ nhân sinh cho nên vẫn lo âu và tiếc nuối khi mùa xuân đến. Bởi như vậy nên dù đang trong mùa xuân ta vẫn sống trong sợ lo sợ, khổ đau. Khi thấy được lẽ thật cuộc đời, chúng ta sẽ không còn bận rộn trong hình tướng giả dối ấy nữa. Lòng không hồi tưởng về quá khứ, không mơ mộng đến tương lai, ta không cần làm một điều gì quá lớn lao, quá to tác chỉ cần có mặt, đem năng lượng yên bình hiến tặng cho người thương thì đó chính là mùa xuân miên viễn. Do đó, nhìn lại một năm qua, những hạt giống xấu nào đã sinh ra thì ta cần loại bỏ, những hạt giống lành thì cần tưới tẩm nuôi lớn.
Qua một năm, ai cũng trải qua biết bao nỗi vui buồn, vinh nhục, khen chê. Hãy gói ghém lại như một phần kinh nghiệm trong đời sống. Để chuẩn bị cho hành trình một năm mới, ta hãy cần chế tác hạnh phúc bằng cách học hạnh Đức Phật Di Lặc, một vị Phật đến với thế gian bằng nụ cười hoan hỷ, vui vẻ, tha thứ và bao dung. Hãy làm cho mỗi người khi gặp nhau với nụ cười rạng rỡ như ánh dương chứ không mang dáng dấp của những lo lắng, ồn ào. Hãy cùng nhau chế tác hạnh phúc, cùng giúp nhau vượt qua giông bão, ngày càng đầy ắp tiếng cười, cả những con người đang bị khổ đau đang còn trong góc khuất của mùa xuân.
Nếu mùa xuân là cái gì tươi đẹp nhất thì đó phải là vẻ đẹp từ sự biết ơn trong tâm hồn của mỗi người. Hãy cùng mở ra điều kỳ diệu của mùa xuân bằng cách sống biết ơn, sẵn sàng xóa bỏ những tị hiềm, xích mích, mà độ lượng, trân trọng với tất cả, mở lòng mình để cảm thông, chia sẻ, làm lợi lạc cho mọi người, mọi vật. Đây mới chính là ý nghĩa kỳ diệu cao quý nhất mà trái tim biết ơn đem lại trong mùa xuân.
Tác giả: Thông Bảo
Chú thích:
[1] Thơ Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
[2] Ngài Hoàng Bá là đệ tử của ngài Bá Trượng. Bá Trượng là đệ tử của ngài Mã Tổ. Mã Tổ là đệ tử ngài Hoài Nhượng, Hoài Nhượng là đệ tử của ngài Lục Tổ Huệ Năng. Khoảng niên hiệu Đại Trung đời Đường (847-860), Ngài tịch ở núi Hoàng Bá. Nhà vua sắc thụy là Đoạn Tế Thiền sư, tháp hiệu là Quảng Nghiệp, do vậy có nơi gọi Ngài là Đoạn Tế, có nơi gọi Hoàng Bá hoặc Hy Vận.
[3] Kinh Từ Bi Sám Hối, Thiền Tôn Phật Quang.