Biện Chứng Luận Trị Bệnh Mất Ngủ
- Pháp Âm Y học
- Lượt xem: 3512
1. Thế nào được gọi là Mất Ngủ?
Mất ngủ còn gọi là Bất đắc ngọa, Bất đắc miên, Bất mị, Thất miên. Mất ngủ bao gồm trạng thái ngủ không ngon giấc, ngủ hay mơ hoặc không ngủ được. Mất ngủ liên hệ nhiều đên tạng Tâm (vì Tâm tàng Thần) và tạng Thận (vì Tâm Thận bất tương giao).
2. Triệu chứng của Bệnh mất ngủ
Khó ngủ (sleeping dificulties) là một chứng bệnh gây ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người. Khó ngủ có nhiều dạng: khó đi vào giấc ngủ, ngủ không yên giấc, dậy sớm không ngủ lại được hoặc tỉnh dậy nhiều lần trong khi ngủ, mỗi lần dài hơn 30 phút và có những biểu hiện như: bứt rứt, khó ngủ, choáng váng, ù tai, chất lưỡi đỏ, miệng khô, lòng bàn tay, bàn chân nóng, hay quên, hồi hộp, đau lưng, di mộng tinh, mạch Tế Sác.
3. Những nguyên nhân gây mất ngủ & pháp trị
- Bệnh do chính Tạng Tâm thiếu máu, không nuôi dưỡng được tâm thần gây ra mất ngủ (Chính tà): Bổ Tâm huyết, an thần
- Do Tạng Can gây bệnh cho Tạng Tâm như tăng huyết áp gây mất ngủ (hư tà): Bình Can, an thần.
- Bệnh do Tạng Tỳ gây ra cho Tạng Tâm như tỳ hư không nuôi dưỡng được tâm thần (thực tà): Kiện Tỳ, chỉ thống, an thần.
- Bệnh do Tạng Phế gây ra cho Tạng Tâm như phế âm hư ảnh hưởng đến tâm huyết (tặc tà): Thanh Phế, an thần.
- Bệnh do Tạng Thận gây ra cho Tạng Tâm như thận hư không khắc được tâm hỏa (vi tà): Bổ Thận, sáp niệu, an thần.
4. Biện chứng luận trị về Bệnh mất ngủ
Chứng thất miên, bất mị thường liên quan đến các tạng phủ: Can, Đởm, Tâm, Tỳ và Thận trong đó chủ yếu là tạng Tâm và Can.
4.1. Mất ngủ gây ra do Tạng Tâm
Tâm chủ ngũ tạng, công năng sinh lý của nó chủ yếu ở hai phương diện chủ về thần minh và chủ về huyết mạch. Tâm chủ thần minh, cho nên sách Hoàng Đế Nội Kinh, Thiên Tuyên Minh Ngũ Khí, Tố Vấn viết: “Tâm tàng thần, các hoạt động về tinh thần, ý thức, tư duy có liên hệ đến Tâm”. Vì vậy, khi Tâm khí hư thì tinh thần, ý thức, hoạt động tư duy bao gồm cả công năng về thần chí, tình chí và ngôn ngữ đều bị chướng ngại. Do đó, sách Hoàng Đế Nội Kinh, thiên Bản Thần, Linh Khu viết: “Tâm khí hư thì bi, Thần thương thì sợ hãi, cho nên xuất hiện các chứng hồi hộp không yên, mất ngủ hay quên, tinh thần hoảng hốt…”
4.2. Mất ngủ gây ra do Tạng Can
Can chứa huyết, can tàng hồn và chủ sơ tiết. Ban ngày, huyết chu du khắp cùng cơ thể để cung cấp dinh dưỡng cho các cơ quan tạng phủ, ban đêm huyết phải quy về Can để dưỡng hồn. Cho nên, nếu Can huyết bất túc, Can mất sự nuôi dưỡng thì chức năng sơ tiết kém, ban đêm huyết không quy về Can, thần thức không được nuôi dưỡng, hồn không có nơi ẩn náu sẽ sinh ra chóng mặt, hoa mắt, mất ngủ, hay mơ, sợ hãi…
Như vậy, tất cả các bệnh lý ở các tạng khác cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến 2 tạng là Tâm và Can làm cho Tâm không tàng thần, Can không tàng hồn dẫn đến Thất miên, Bất mị.
4.3. Mất ngủ do Tâm Thận bất tương giao
Thất miên (bất mị) trên bệnh nhân này (Bệnh nhân trong video) liên quan đến tạng Tâm và Thận, chứng hậu ở đây là Tâm Thận dương hư. Tâm Thận dương hư là chỉ phần dương của Tâm Thận bất túc, mệnh môn hỏa suy nên mất sự sưởi ấm dẫn đến hình thành các chứng hậu âm hàn thịnh ở trong, huyết bị đình trệ, thủy thấp ứ đọng. Hư chứng biểu hiện người mệt mỏi, yếu sức, tiếng nói nhỏ, biếng nói, sắc mặt không tươi, sắc môi nhợt và mạch Tế. Dương hư sinh ngoại hàn biểu hiện sợ lạnh, người lạnh, tay chân lạnh, lòng bàn tay bàn chân lạnh, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng, ướt, không khát, thích ấm, tiểu trong nhiều, đại tiện phân sệt, kê minh tiết tả.
Tâm dương hư biểu hiện mất ngủ, hồi hộp, hễ động thì hồi hộp, dễ sợ hãi, hốt hoảng, đánh trống ngực, khó chịu vùng ngực, sắc mặt nhợt nhạt kèm biểu hiện chứng hàn là do dương khí bất túc, thủy ẩm nghịch lên gây nên. Do đó, sách Thương Hàn luận viết: “Nếu đình ẩm là do nước ứ đọng ở dưới Tâm, Tâm chủ hỏa mà sợ Thủy, nước đã ứ đọng ở trong Tâm tự thấy không yên mà thành sợ sệt”. Mặt khác Tâm dương bất túc không có khả năng thúc đẩy huyết gây nên chứng trạng khó chịu vùng ngực. Thận dương hư biểu hiện đau mỏi lưng, tiểu đêm nhiều lần, kê minh tiết tả, kèm biểu hiện chứng hàn, tứ chi quyết lạnh….
Tóm lại, Tâm Thận dương hư ảnh hưởng đến tạng Tâm và Can làm cho Tâm không tàng thần, Can không tàng hồn gây nên thất miên (bất mị).
Mặt khác, Thất miên ở đây là do nội thương thất tình mà nguyên nhân chính là tư và bi. Bởi vì, hoạt động tình chí của con người có quan hệ mật thiết với tạng phủ, khí huyết: Sự biến hóa của tạng phủ ảnh hưởng đến biến hóa của tình chí và ngược lại thất tình quá mức cũng gây tổn hại cho nội tạng tương ứng. Tư và bi quá mức sẽ tổn thương trực tiếp đến tạng phủ tương ứng là Tỳ và Phế. Tỳ chủ tư, tư quá mức thương Tỳ, Phế chủ bi, bi quá mức thương Phế.
Tuy nhiên, trên lâm sàng không hoàn toàn tuyệt đối như vậy. Bởi vì cơ thể là một chỉnh thể hữu cơ nên nếu bi thương sầu ưu nên Tâm động, Tâm động thì lục phủ ngũ tạng đều bị ảnh hưởng. Trương Giới Tân trong “Loại kinh” viết: “Tâm là đại chủ của lục phủ ngũ tạng, kiêm cai quản hồn phách và ý chí, nên Ưu động đến Tâm thì Phế ứng, Tư động đến Tâm thì Tỳ ứng, Nộ động đến Tâm thì Can ứng, Khủng động đến Tâm thì Thận ứng cho nên ngũ chí đều lấy Tâm làm đại diện”. Điều này cho thấy Tâm là đại chủ của lục phủ ngũ tạng, nơi cư trú của tinh thần, nơi phát sinh của thất tình, nên thất tình quá mức đầu tiên hại đến Tâm thần, sau đó ảnh hưởng đến các tạng phủ khác để gây bệnh.
Tóm lại, Bệnh mất ngủ đang dần trẻ hóa, xảy ra đối với mọi lứa tuổi và ngày càng gia tăng theo chiều hướng phát triển của xã hội. Do đó, điều quan trọng đối với Thầy thuốc là tìm đúng nguyên nhân gây bệnh, nắm vững Bát cương thì việc trị bệnh dễ như bẻ cành cây khô (phân minh diệc dị triết chi khô) mà thôi…! Mặt khác, bệnh nhân cần tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị mà Thầy thuốc đưa ra, kết hợp điều chỉnh đời sống hướng đến thiện pháp và thư giãn tâm ý thì bệnh mất ngủ sẽ hết trong một sớm một chiều là chuyện không cần phải bàn cãi nhiều…!
( Lương y: Phan Văn Nghiệp )