Triết lý y học, phân loại & cách dùng thuốc trong Đông y
- Y Học
- Lượt xem: 1415
Triết lý y học trong Đông y
Lý luận y học trong Đông y
Lý luận Đông y dựa trên nền tảng triết học cổ Trung Hoa: Âm Dương, Ngũ Hành. Âm Dương, Ngũ Hành cân bằng thì cơ thể khỏe mạnh, việc chữa bệnh nhằm lập lại trạng thái cân bằng của các yếu tố đó trong khi Tây y dựa trên các kiến thức về giải phẫu, sinh lý, vi sinh v.v. cùng các thành tựu của các ngành khoa học hiện đại.
Bên cạnh Âm Dương, Ngũ Hành, cơ sở lý luận Đông y còn bao gồm: học thuyết Thiên Nhân hợp nhất, học thuyết kinh lạc, bát cương, học thuyết tạng tượng. Mặc dầu tạng tượng học Đông y có nhiều điểm tương đồng với giải phẫu và sinh lý học Tây y, các từ Hán-Việt dùng để chỉ các tạng (tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận), phủ (vị, đởm, tam tiêu, bàng quang, tiểu trường, đại trường) trong Đông y không đồng nhất với các từ chỉ các cơ quan theo giải phẫu học Tây y (tim, gan, lách, phổi, cật; dạ dày, mật v.v.). Bởi lẽ Đông y có một hệ thống lý luận khác, theo đó, việc chia tách cơ thể thành các bộ phận khác nhau một cách rạch ròi chỉ là khiên cưỡng, do cơ thể là một thể thống nhất.
Trái ngược với văn hóa phương Tây, văn hóa phương Đông coi trọng “cân bằng” và “điều hòa”. “Trung dung” tức cân bằng giữa hai thái cực và được người xưa tôn vinh là tiêu chuẩn tối cao trong triết lý tu thân của bậc quân tử. Trong quan hệ với thiên nhiên, phương Đông không chủ trương chế phục mà hướng tới sự hòa hợp: “thiên nhân hợp nhất”. Trong quan hệ giữa người với người, từ ngàn xưa “dĩ hòa vi quý” đã trở thành phương châm xử thế cơ bản. Đặc tính văn hóa đó đã ảnh hưởng sâu sắc tới quan niệm và phương pháp chữa bệnh của Đông y học.
Về bệnh tật trong cơ thể, Đông y quan niệm mọi thứ đều do “âm dương thất điều” - mất sự cân bằng và trung dung gây nên. Để chữa trị bệnh tật, Đông y sử dụng 8 biện pháp cơ bản – “hãn” (làm ra mồ hôi), “thổ” (gây nôn), “hạ” (thông đại tiện), “hòa” (hòa giải), “ôn” (làm ấm), “thanh” (làm mát), “tiêu” (tiêu thức ăn tích trệ), “bổ” (bồi bổ) để khôi phục cân bằng chỉnh thể, hóa giải mâu thuẫn giữa “chính khí” (sức chống bệnh) và “tà khí” (tác nhân gây bệnh). Trong 8 phép đó, không có biện pháp nào mang tính đối kháng, tấn công trực diện vào “bệnh tà” như trong Tây y.
Chủ trương trị bệnh trong Đông y
Đặc biệt, để thực hiện việc hóa giải có hiệu quả nhất, Đông y chủ trương “trị vị bệnh” (chữa từ khi bệnh chưa hình thành). 2000 năm trước, Nội kinh - bộ sách kinh điển của Đông y đã viết: Bậc Thánh y không chờ khi bệnh hình thành rồi mới chữa trị, mà chữa từ khi chưa phát bệnh. Bệnh đã hình thành mới dùng thuốc, xã hội đã rối loạn mới lo chấn chỉnh, khác gì khi khát nước mới lo đào giếng, giặc tới nơi mới đúc binh khí, chẳng quá muộn sao? (Thánh nhân bất trị dĩ bệnh, trị vị bệnh; bệnh dĩ thành nhi hậu dược chi, loạn dĩ thành nhi hậu trị chi, ví do khát nhi xuyên tỉnh, đấu nhi chú binh, bất diệc vãn hồ).
Do chủ trương “trị vị bệnh” nên Đông y rất coi trọng dưỡng sinh, nâng cao “chính khí”, chính khí đầy đủ thì bệnh tật không thể xâm phạm (Chính khí tồn nội, tà bất khả can). Đó cũng là tư tưởng “tướng giỏi không cần đánh mà thắng” trong Tôn Tử binh pháp (Bất chiến nhi khuất nhân chi sư). Trong sách Nội kinh, dưỡng sinh được đặt vào vị trí tối cao, còn trị liệu chỉ được xem là biện pháp ở bình diện thấp. Tấn công trực tiếp vào “bệnh tà” chỉ được Đông y xem như biện pháp cuối cùng, bất đắc dĩ. “Trị vị bệnh”, “phòng bệnh hơn chữa bệnh” là chiến lược y tế vô cùng sáng suốt và là nét văn hóa độc đáo của Đông y từ ngàn năm xưa. Ngày nay, khi phổ bệnh đang có xu hướng chuyển từ nhiễm trùng sang bệnh tâm thân, nội tiết, chuyển hóa, phương thức sống… thì chiến lược đó sẽ còn có giá trị thực tiễn và khoa học to lớn hơn nữa.
Đối tượng & phương châm chữa bệnh của Đông y
Đông y là nhân thuật, nên đối tượng chính của Đông y không phải là “bệnh” mà là “con người”. Con người trong Đông y cùng với môi trường, vũ trụ hợp thành một chỉnh thể thống nhất, người xưa gọi đó là “Thiên nhân hợp nhất”. Bản thân con người cũng là một chỉnh thể thống nhất, nên tinh thần và thể xác hợp nhất với nhau, người xưa gọi đó là “Hình thần hợp nhất”.
Phương châm cơ bản của Đông y trong chữa bệnh là “lưu nhân trị bệnh”, nghĩa là trước hết phải giữ lấy mạng sống của con người, sau đó mới nghĩ tới vấn đề khống chế, tiêu trừ ổ bệnh. Mục tiêu chữa bệnh của Đông y là lập lại trạng thái “cân bằng chỉnh thể”. Do đó trong quá trình chữa bệnh, Đông y coi trọng khả năng tự khôi phục và tái tạo của cơ thể con người, lấy việc huy động tiềm năng của con người làm phương châm chính. Vì vậy, bệnh nhân được coi là chủ thể, “nhân vi bản bệnh vi tiêu”, nghĩa là người là gốc, là chủ thể, bệnh chỉ là ngọn.
Phân loại, tứ khí, ngũ vị & nguyên tắc dùng thuốc trong Đông y
Phân loại thuốc trong Đông dược
Qua quá trình tìm hiểu các dược liệu làm thuốc, người ta tìm cách phân loại nhằm tạo tính quy luật để có thể dự đoán được tác dụng của dược liệu. Trước kia sự phân loại thông qua kinh nghiệm sử dụng, ngày nay phân loại theo nhóm hoạt chất sinh học. Dưới đây là một số cách phân loại dược liệu:
Theo âm dương ngũ hành:
Thuốc Đông dược được chia làm 2 loại: âm dược và dương dược. Các vị âm dược thường có vị mặn, đắng, chua, có tính lương hoặc hàn, có công năng giải biểu nhiệt, thanh nhiệt, bổ âm, phần lớn mang tính ức chế. Hầu hết các vị thuốc dùng trong sản phẩm Viên thanh nhiệt giải độc Cabovis đều là âm dược: ngưu hoàng, thạch cao, đại hoàng, hoàng cầm… dùng cho các trường hợp do nóng trong người gây nên như: viêm họng, sưng đau chân răng, lở loét miệng, mụn nhọt, táo bón…
Các vị dương dược ngược lại thường có vị cay, ngọt, có tính ôn nhiệt, thường dùng để điều trị bệnh thuộc chứng hàn. Ví dụ trong viên mũi - xoang Rhinassin chứa Thương nhĩ tử, Bạch chỉ, Tân di hoa đều có vị cay tính ôn; Hoàn bát vị bổ thận dương có Quế nhục, phụ tử đều vị cay tính nhiệt…đều là các dương dược phổ biến.
Theo nguồn gốc địa lý:
Theo thông tư 40/2013/TT-BYT thì thuốc Y học cổ truyền có 2 nguồn gốc: Bắc và Nam. Thông thường thuốc Nam được hiểu là vị thuốc được trồng trong nước và Thuốc Bắc là những thuốc có nguồn gốc từ phía Bắc như Trung Quốc. Tuy nhiên, có những vị thuốc được trồng cả ở Việt Nam và Trung Quốc, hoặc những vị thuốc di thực từ Trung Quốc vào Việt Nam, hoặc có những vị thuốc trồng ở Việt Nam xuất sang Trung Quốc sau đó lại nhập vào Việt Nam…
Lịch sử nghiên cứu thuốc Bắc lâu đời nhất là tại Trung Quốc với tác phẩm hơn 2000 năm tuổi “Thần Nông Bản Thảo” và theo dòng lịch sử đã có nhiều tác phẩm “Bản thảo” ra đời như “Bản thảo Cương mục” (Compendium of Materia Medica) của Lý Thời Trân, “Bản Thảo Cương Mục Thập di” (Supplement to the Compendium of Materia Medica) của Triệu Học Mẫn...đều là các công trình nghiên cứu dược liệu có quy mô và bổ sung cho nhau.
Thuốc Nam của chúng ta đã có từ rất lâu đời, gắn với tác phẩm “Nam dược thần hiệu” của danh y Tuệ Tĩnh. Tác phẩm của Tuệ Tĩnh Thiền Sư - ông tổ ngành dược Việt Nam, luôn thể hiện rõ quan điểm “Nam dược trị Nam nhân’’. Từ bao đời nay, giới khoa học và nhân dân Việt Nam đều công nhận Ông có công lao to lớn trong việc xây dựng một quan điểm y học độc lập, tự chủ, phù hợp với thực tế nước ta.
Hiện nay, tuy các sách dược liệu ngoại văn khá phong phú, nhưng Việt Nam cũng có những tác phẩm tâm huyết có giá trị cao về thuốc Nam như Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (Đỗ Tất Lợi), Cây thuốc Việt nam và những bài thuốc thường dùng (Nguyễn Viết Thân), Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi), Dược lý trị liệu của thuốc Nam (Bùi Chí Hiếu) ... và một trong những công trình lớn nhất gần đây là Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện Dược liệu) tổng hợp 920 cây thuốc và 80 động vật thường dùng.
Tứ khí, Ngũ vị và quy kinh trong Đông y
Theo quan điểm Đông dược, một dược liệu có mối liên quan giữa tính năng (khí vị, quy kinh, khuynh hướng thăng giáng phù trầm) và tác dụng điều trị cơ bản của nó.
Tứ khí trong Đông y:
bao gồm hàn, nhiệt, ôn, lương chỉ mức độ lạnh và nóng khác nhau của vị thuốc. Các vị thuốc hàn (thạch cao, hoàng cầm, đại hoàng…) thường chữa bệnh thuộc về nhiệt, và ngược lại các vị thuốc có tính nhiệt (Quế nhục, phụ tử, kinh giới…) có thể chữa các bệnh thuộc hàn. Ở mức độ hàn lương và ôn nhiệt còn có tính bình, gồm cây thuốc có các tác dụng như hạ thấp, lợi khí, lợi tiểu, long đờm…chẳng hạn như Kim tiền thảo có tính bình, có tác dụng lợi tiểu, có thể tống sỏi ra khỏi niệu quản.
Về thành phần hóa học, các vị thuốc tính lạnh và mát (hàn lương) thường chứa glycosid, alkaloid, chất đắng; trong đó các vị thuốc tính nóng và ấm (nhiệt ôn) thường chứa tinh dầu, đường…Nhiều thuốc OPC đã vận dụng lý luận của tứ khí đem lại hiệu quả điều trị cao: viên thanh nhiệt giải độc Cabovis (nhiều vị thuốc tính hàn), viên xoang mũi Rhinassin (nhiều vị thuốc tính ôn), Bát vị Bổ thận dương (quế, phụ tử có tính nhiệt).
Ngũ vị trong Đông y:
mỗi dược liệu được đặc trưng bởi một hay nhiều vị do cảm giác của lưỡi đem lại, có 5 vị chính: chua, cay, đắng, mặn, ngọt. Ngoài ra còn có 2 vị phụ là vị nhạt và chát.
Quy kinh trong Đông y:
Là sự quy nạp hoạt chất (khí vị tinh hoa) của vị thuốc đó vào tạng, phủ, kinh lạc nhất định. Cơ sở của sự quy kinh dựa trên lý luận Ngũ hành, tạng tượng, kinh lạc. Dựa vào đặc tính vốn có của thuốc và dựa vào phân tích hiệu quả của thuốc. Trong đó, theo lý luận ngũ hành, thuốc có màu vàng, vị ngọt như Mật ong, Cam thảo, Hoàng kỳ… quy vào hành Thổ nên khi bào chế dược liệu có thể làm thay đổi tính vị quy kinh của thuốc, ví dụ đơn giản: thuốc có màu đen, vị mặn thường quy vào hành Thủy (Thận, bàng quang) nên Đỗ trọng, Ba kích, Hương phụ, Trạch tả thường tẩm thêm muối, Hà thủ ô đỏ được tẩm với nước đậu đen để tăng khả năng nhập kinh thận. Đó cũng là lý do dùng lâu dài sản phẩm Bổ Thận Hoàn Sanh của Thảo Dược Phương Anh sẽ giúp tạng thận khỏe mạnh, giúp xương chắc khỏe và phục hồi chứng suy nhược cơ thể.
Khuynh hướng thăng giáng phù trầm của vị thuốc:
Là 4 khuynh hướng tác dụng của thuốc: hướng lên thượng tiêu (thăng), xuống hạ tiêu (giáng), hướng ra ngoài (phù) hay hướng vào trong (trầm). Các vị thuốc chủ giáng thường có tính chất hạ khí, giáng khí, bình suyễn có thể điều trị các bệnh có xu hướng lên thượng tiêu (hen suyễn, khó thở, ho đờm…), nên các vị Tỳ bà diệp, Cát cánh, Tiền hồ, Tang bạch bì trong bài thuốc ho người lớn hay ho trẻ em có tính chủ giáng mạnh, chữa các chứng ho gió, ho cảm, ho có đàm…
Tính chất thăng, giáng, phù, trầm, quan hệ mật thiết với khí, vị và tỷ trọng nặng, nhẹ của vị thuốc. Khí, vị: vị cay, ngọt, tính ôn nhiệt thuộc dương thường là các vị thuốc thăng như Ma hoàng, Quế chi, Gừng, vị đắng, chua, mặng, tính hàn, lương thuộc âm thường là các thuốc trầm, giáng như Đại Hoàng, Mang tiêu, Hoàng liên. Tỷ trọng: thuốc loại hoa, lá là những vị thuốc nhẹ thuốc loại phù thăng như Lá sen, Bạc hà, Kinh giới: các vị thuốc khoáng vật, hạt, quả có tỷ trọng nặng thuộc trầm giáng như Mẫu lệ, Long cốt, Tô tử Chỉ thực, Thục địa.
Nguyên tắc dùng thuốc trong Đông y
Đông y dùng thuốc tuân theo nguyên tắc “Biện chứng luận trị”, nghĩa là tùy theo chứng trạng biểu hiện ở người bệnh mà sử dụng phép chữa, bài thuốc khác nhau. Trên lâm sàng, trăm người mắc cùng một bệnh, có thể được chữa trị bằng hàng trăm phương thuốc khác nhau. Vì phương thuốc được lập ra theo nguyên tắc “Biện chứng luận trị”, tức phỏng theo bệnh tình cụ thể ở từng người bệnh. “Phương giả phỏng dã” như y gia thời xưa thường nói.
Nhà triết học Các Mác có câu nói nổi tiếng: “Một bước hành động thực tế quan trọng hơn cương lĩnh”. Không thể phản bác là lý luận Đông dược ra đời từ trước công nguyên và tồn tại đến tận hôm nay chính là do sự kiểm chứng thực tiễn khắt khe của quần chúng và giới khoa học trải rộng trong không gian và thời gian. Đông Dược ngày nay ngày càng hoàn thiện hơn về phương pháp luận được các ngành khoa học hiện đại phân tích, nghiên cứu kỹ lưỡng, dần dần làm rõ những vấn đề phức tạp, khó hiểu mà người xưa viết ra. Và cũng không thể phủ nhận là Đông Dược ngày nay ngày càng mở rộng phạm vi ứng dụng điều trị, ngày càng được ưa chuộng trong dự phòng và chăm sóc sức khỏe lâu dài của nhân dân…
Thảo Dược Phương Anh tổng hợp