Biện Chứng Luận Trị Bệnh Tiểu Đường ( Phần 1 )
- Y Học
- Lượt xem: 1428
I. Tìm hiểu bệnh Tiểu Đường theo YHHĐ
1. Thế nào là Bệnh Tiểu Đường?
Tiểu đường (hay còn gọi là bệnh Đái tháo đường), là bệnh lý rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có biểu hiện tănglucose trong máu kéo dài (≥ 126mg/dL lúc đói) do khiếm khuyết về tiết Insulin, về tác động của Insulin hoặc cả hai. Nếu cơ thể tăng Glucose trong máu trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa Carbohydrate, protide, lipide gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim, mạch máu, thận, mắt, thần kinh…
2. Phân loại bệnh Đái tháo đường
Đái tháo đường có 4 loại:
Đái tháo đường Type 1: chiếm khoảng 5 - 10% tổng số ca đái tháo đường. Nguyên nhân chính là do tế bào tiểu đảo tụy bị phá hủy dẫn đến thiếu insulin tuyệt đối. Nghĩa là Tụy không tiết insulin.
Đái tháo đường Tuyp 2: Do tế bào của cơ thể kháng với insulin dẫn đến thiếu insulin tương đối. Nghĩa là Tụy có tiết insulin nhưng không đủ so với sự đòi hỏi của cơ thể.
Đái tháo đường Type 1,5: Là dạng đái tháo đường tự miễn tiềm ẩn khởi phát muộn ở người lớn (Latent Autoimmune Diabetes of Adults: LADA), là một dạng của ĐTĐ type 1 được đặc trưng bởi sự khởi phát ĐTĐ chậm (thường xuất hiện ở tuổi > 30), có các kháng thể chống tiểu đảo tụy (islet autoantibodies) trong máu tuần hoàn nhưng cũng giống như ĐTĐ type 2 là tụy vẫn còn khả năng tổng hợp insulin.
Đái tháo đường thai kỳ: Là tình trạng rối loạn đường huyết. Đa phần đái tháo đường thai kỳ xảy ra ở phụ nữ mang thai ở tuần 24 - 28.
Đái tháo đường do thuốc: là những nhóm thuốc có thể gây tăng đường huyết theo 2 cách: giảm tổng hợp hay tiết insulin hoặc giảm nhạy cảm với insulin ở mô. Cụ thể như thuốc Glucocorticoids, thuốc ngừa thai estrogen và một số progesterone liều cao, thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị HIV…
3. Cơ chế hoạt động của Insulin
Carbonhydrate chúng ta ăn vào được cơ thể biến đổi thành đường đơn giản là glucosa. Glucosa hay đường huyết vào trong máu được vận chuyển đi khắp cơ thể. Đường huyết là nguồn năng lượng chính cho não bộ, hệ thần kinh và cơ bắp sử dụng. Để sử dụng được thì đường huyết phải vận chuyển được vào trong tế bào thần kinh và cơ bắp. Đây chính là lúc insulin vào cuộc. Insulin chính là hocmone tuyến tụy có nhiệm vụ mở bức tường tế bào để đường huyết có thể vào. Và đây chính là mấu chốt của toàn bộ quá trình năng lượng.
Insullin tiết ra trong 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu, insulin được giải phóng ngay sau bữa ăn hoặc khi có đường hay chất ngọt trong miệng vào hệ tiêu hóa. Giai đoạn 2, insulin được giải phóng gần sau bữa ăn và tiếp tục được giải phóng dần dần sau nhiều giờ.
Để insulin làm việc đúng thì cần phải có đủ số lượng và các tế bào trong cơ thể phải nhạy cảm với tác động của insulin. Khi tế bào không phản ứng với tác động của insulin trong việc cho đường tiến vào xuyên qua tường tế bào thì xảy ra tình trạng gọi là kháng insulin. Kháng insulin thường liên quan trực tiếp với béo phì, đặc biệt là những người vòng mỡ béo ở khu vực bụng hoặc eo. Việc dư thừa mỡ bụng và mỡ tập trung xung quanh Gan sẽ làm tăng lượng axit béo lưu thông tự do trong máu. Lúc những a - xít béo này phân giải sẽ làm gia tăng mức độ độc tính. Độc tố này chính là nguyên nhân làm ức chế sản sinh insulin và khiến cho tế bào cơ bắp kém nhạy cảm với insilin đang có.
Trong khi đó, mô cơ rất quan trong giúp cơ thể cân bằng lượng đường huyết. Bởi vì trong trạng thái bình thường, hơn 80% đường huyết giải phóng ngay sau bữa ăn được tế bào cơ bắp lấy đi. Bên cạnh đó, khi có quá ít insulin được giải phóng ra, mức đường huyết tăng lên sinh ra sự hình thành của triglyceride (chất béo trung tính trong mô) và tích trữ mỡ. Ngược lại, khi có quá nhiều insulin thì mức đường huyết bắt đầu giảm (hypolycemia) báo hiệu cảm giác đói và thường xuyên có nhu cầu ăn từ đó sinh ra tăng cân và tích trữ mỡ. Điều này minh chứng cho những người tuy đã điều trị bằng thuốc uống nhưng vẫn bị tăng từ 2-5kg khiến cho vòng luẩn quẩn của bệnh tiểu đường ngày càng tồi tệ hơn.
Y Học Cổ Truyền nhìn nhận Bệnh Tiểu Đường như thế nào? Kính mời Quý Độc Giả đón xem phần 2.
Trân trọng,
Lương y: Phan Văn Nghiệp