Để có cuộc sống bình an
- Góc suy ngẫm
- Lượt xem: 3033
Cuộc sống hiện tại của con người liệu có bình an không?
Nhìn vào hiện trạng cuộc sống chúng ta thấy rõ, xã hội loài người đang phát triển đến mức cực thịnh, đủ muôn màu muôn vẽ, rất phong phú, đa dạng và phức tạp. Sự tiến bộ vượt bậc của khoa học, là động cơ chủ yếu, thúc đẩy toàn bộ cơ cấu xã hội vươn lên đổi mới trên mọi lãnh vực: Kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, y học và tôn giáo…
Sự văn minh tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật thời đại mới, đã đem đến cho con người đời sống tiện nghi vật chất sung mãn, mọi nhu cầu của con người đều được đáp ứng thỏa đáng. Tuy nhiên, bản chất tham muốn của con người không bao giờ biết thỏa mãn, biết chán, biết đủ, biết dừng. Họ cứ luôn luôn đi tìm những cảm giác mới lạ để được tận hưởng những thú vui ngũ dục của cuộc đời. Sự mong muốn nầy vừa được đáp ứng, con người cảm thấy không hài lòng thỏa mãn, liền chạy đi tìm cầu một sự đáp ứng mới khác, có hiệu qủa cao hơn, cảm giác lâu bền chất lượng hơn.
Tuy nhiên, dục vọng của con người là túi tham không đáy, lúc nào cũng cảm thấy thiếu thốn và thèm khát. Dục vọng và đời sống vật chất đã gây ra mâu thuẫn, xung đột làm sụp đổ toàn bộ giá trị cao qúi về mặt tinh thần, nền luân lý đạo đức cơ bản của con người đã thoái hóa, tạo nên mặt trái của xã hội đầy những tai biến sa đọa tệ hại: nào hiếp dâm, cướp của, giết người, lợi dụng tình dục trẻ em, loạn luân, nghiện ngập xì ke, ma túy, chiến tranh thù hận lan tràn, diễn ra khắp nơi trên thế giới, làm đảo lộn trật tự an ninh trong cuộc sống, cả thế giới đang lâm vào tình trạng khủng hoảng bi đát, và hậu qủa của sự tàn phá vô cùng nguy hiểm. Nếu không ngăn chặn kịp thời, nguy cơ có thể đưa đến nhân loại bị diệt vong.
Xét lại, sự văn minh tiến bộ của khoa học đã đưa đến cho con người đời sống vật chất sung mãn. Và song song đó cũng đem lại cho con người sự lo lắng, sợ hãi, đau khổ và bất an. Như vậy, trước tình trạng khẩn cấp đã đến mức báo động, giữa xã hội đầy những biến cố tao loạn đáng sợ nầy, làm thế nào để có được cuộc sống bình an, yên vui hạnh phúc? Đó là vấn đề chủ yếu và chính đáng được đề ra cho mọi người có dịp nghiên cứu học hỏi, rút ra bài học kinh nghiệm hữu ích và thiết thực ứng dụng vào đời sống của chính mình được nhiều lợi lạc. Đạo Phật có phương pháp mầu nhiệm giúp cho con người có được cuộc sống bình an ngay trong hiện tại…
Hai mặt tương phản của thực trạng xã hội - Giải pháp nào để có cuộc sống bình an?
Trước hết, chúng ta nên hiểu biết qua về thực trạng cuộc sống nầy như thế nào. Quả thật, hiện nay nhân loại đang lâm vào tình trạng khủng hoảng bất an không lối thoát. Từ khi nền văn minh khoa học kỹ thuật thời đại mới phát triển, đã đem đến cho con người một đời sống sung túc, phồn thịnh. Ăn uống sung sướng, đồ mặc sang trọng, trang sức hợp thời trang, chỗ ở đầy đủ tiện nghi, nhà cao cửa rộng, phòng ốc trưng bày toàn những đồ đạt qúi gía lịch sự, ốm đau ốm thì có thuốc thang trị liệu, phương tiện đi lại dễ dàng mau mắn, đường phố ngập tràn những chiếc xe hơi bóng loáng, di chuyển từ xứ nầy đến xứ kia bằng máy bay với động cơ siêu tốc…
Thế nhưng tất cả mọi tiện nghi vật chất sung mãn thừa mứa đó, vẫn không mang đến cho con người có được một cuộc sống bình an yên vui hạnh phúc thực sự. Mà ngược lại bên trong cá nhân mỗi người điều mang sẵn một nỗi niềm ưu tư, lo lắng, sợ hãi, bất an. Hơn thế nữa, có những người qúa chán chường, đau khổ và tuyệt vọng. Có những người bị cùng quẫn, bế tắt không lối thoát, không còn đủ sức chịu đựng được nữa, họ đành mượn con dao nhọn, dòng sông sâu, chén thuốc độc, sợi dây thừng hay đâm đầu vào xe để kết liễu cuộc đời mình. Có những người qúa cuồng trí, trở nên điên loạn…
Sự tương phản quá chênh lệch giữa hai phương diện vật chất và tinh thần, ngày càng mâu thuẩn gay gắt trong cuộc sống, đã gây ra những biến loạn xung đột khắp nơi trên thế giới, đẩy con người đi đến chỗ tàn sát đẫm máu và tình trạng vô cùng nguy hại có thể đưa đến sự diệt vong toàn cả nhân loại. Những mâu thuẩn xung đột đang cháy ngầm âm ỉ, đầy ứ những cặn bả thối rữa như cái ung nhọt căng đầy máu mủ sắp vỡ toang ra ...
Những nhân tố chủ yếu gây nên sự mâu thuẫn và xung đột trong đời sống khiến con người đánh mất giá trị bình an.
Nguyên nhân của những biến loạn và xung đột đó là do sự sụp đổ toàn bộ giá trị cơ bản về mặt tinh thần. Con người chỉ có biết hưởng thụ vật chất, bỏ mất đi phần tâm linh của mình...
1. Dục vọng
Bao giờ cũng vậy, hễ vật chất thịnh hành thì dục vọng của con người càng được củng cố và tăng trưởng. Chính dục vọng đã tạo ra bao sự rắc rối và phức tạp tai biến trên cuộc đời nầy. Tất cả những đối tượng của dục vọng khiến cho con người phải đam mê, say đắm, không ngoài năm món dục lạc thế gian: Nào tài sản sự nghiệp, danh vọng địa vị, sắc đẹp, ăn mặc, ngủ nghỉ… chúng sanh vì đắm mê năm món dục đó mà thân tâm phải bị bức bách khổ sở.
2. Ngã chấp
Vì si mê lầm chấp, không thấy đúng lẽ thật nên luyến ái thân mạng, chấp tứ đại giả hợp cho là thân thật của mình và những vọng thức duyên theo bóng dáng của sáu trần, khởi phân biệt cho đó là tâm mình, nên tìm đủ mọi cách để bảo vệ gìn giữ và tìm đủ mọi phương kế, để đáp ứng những nhu cầu đòi hỏi để được thụ hưởng, được thỏa mãn những dục vọng của mình. Do đó mà ngã và ngã sở được hình thành. Tức là chấp luyến vào cái ta và những cái của ta.
3. Ngũ Dục là đối tượng của lòng tham, là nguyên nhân đánh mất sự bình an trong cuộc sống
3.1. Tham đắm của cải, tài sản
Vì thấy thân ta là thật, nên muốn cho nó được ăn ngon, mặc sướng, tạo sắm nhà cửa sang trọng, phòng ốc, tài sản tiện nghi vật chất đầy đủ, xe cộ, tiền của, tôi tớ phục dịch. Lòng tham thường thúc đẩy ta bám víu vào dục lạc và tìm đủ mọi phương cách để thỏa mãn thú vui nhục dục.
Túi tham không đáy
Muốn có được đời sống sung mãn như thế, không phải bỗng dưng mà được, hoặc ai đem của cải đến cho mình, mà phải ra sức cật lực làm lụng vất vả, lao nhọc thân thể, phải tính toán công ăn việc làm, tạo lập cơ sở kinh doanh phát đạt để tích lũy tiền của vật chất cho nhiều. Sự tham muốn đó không riêng một người nào, mà tất cả mọi người đều có chung quan niệm đó, ai cũng muốn được lợi riêng mình. Và vì thế họ tranh đua giành giật để được phần hơn, không ai chịu thua chịu lép hơn ai.
Đã tranh đua giành giật thì phải có kẻ được người mất, người được thì vui cười thỏa thích, người mất thì đau khổ khóc than. Nhưng lòng tham của con người không bao giờ biết chán, biết đủ, biết dừng, vì túi tham không đáy. Được một muốn có thêm mười, dư ăn dư mặc lại muốn có thêm phần tích trữ. Người giàu có thế lực thì chèn ép bóc lột kẻ dưới tay, người thua thiệt thì buồn khổ, khóc than hoặc ôm lòng ghen ghét đố kỵ...
Hậu quả của Dục Vọng
Vì lòng tham lam, ích kỷ hẹp hòi mà anh em ruột thịt phải chia rẽ nhau, so bì với nhau từ lằn ranh đất bờ rào, rồi chửi bới nhau, thưa kiện nhau ra tòa mà không biết nhục nhã, xấu hổ. Anh em ruột thịt còn như thế, huống nữa là người dưng nước lã thì tha hồ mà tranh đấu giựt giành. Có khi sử dụng đến dao súng, vũ khí giết người để thanh toán nhau.
Người có tiền của còn tham như vậy, huống chi những người nghèo khổ, thiếu áo đói cơm, vì lòng tham hoặc vì hoàn cảnh túng hụt, mà phải đi ăn trộm ăn cắp, đào tường, khoét vách. Bị người phát giác, bắt được, phải chịu bị đánh đập tra tấn tù tội.
Lòng tham ở mức bạo hành hơn nữa là cướp của giết người, buôn bán những hàng quốc cấm như xì ke, ma túy, vũ khí giết người như súng đạn. Những việc làm ấy đã gây ra những án mạng rùng rợn khủng khiếp mà chúng ta thường nghe xảy ra ở khắp mọi nơi đó đây trên thế giới, báo chí đăng tải hằng ngày.
Đó là lòng tham của hạng bình dân, còn lòng tham của những người có chức sự, quan quyền, những nhà lãnh đạo quốc gia thì xảy ra tình trạng lạm phát, ăn hối lộ, móc nối doanh thương và lan rộng đến phạm vi quốc tế thì chiến tranh sẽ bùng nổ.
Vì lòng tham mà con người đã gây ra biết bao đau khổ cho nhau và tạo ra những việc làm tội lỗi độc ác, bạo tàn...?!
Khi chưa được con người tìm đủ mọi cách để được có, thì cũng đã hao tốn bao mồ hôi, nước mắt, sức lực, lao tâm mệt trí rồi và được rồi còn phải gìn giữ, bảo vệ vì sợ mất. Thế nhưng những gì ta gom góp tích lũy được, cũng không thể bảo đảm giữ mãi trong tầm tay của mình. Cả một đời lao đao, lận đận vì của cải sự nghiệp, nhưng bất thần một cơn bệnh hoạn ngặt nghèo cũng làm tán gia bại sản, một cơn hỏa hoạn, một trận lũ lụt có thể đốt cháy hoặc cuốn trôi, hoặc bị trộm cướp vơ vét sạch hết…
Có biết bao người bị mất tiền của mà đau khổ, quên ăn, bỏ ngủ, và có khi uống thuốc độc hoặc thắt cổ tự tử. Nếu là người hiểu rõ đạo lý, biết thân nầy là vô thường, của cải tài sản thế gian là hư dối tạm bợ, chúng ta không mong cầu lợi dưỡng, tham đắm của cải vật chất, để rồi phải đau khổ khi bị mất mát, lỗ lã...Chúng ta biết tạo cho mình một đời sống tinh khíết, thanh bạch, miễn sao có đủ ăn, đủ mặc, lo bề đạo đức, tu dưỡng thân tâm. Chúng ta biết xớt cơm, chia áo, nhín ăn, bớt mặc để cứu giúp những người nghèo khổ. Cúng dường tam bảo để hộ trì chánh pháp cho được trường tồn ở thế gian. Biết gieo trồng cội phúc, tạo nghiệp thiện để cuộc đời được thăng hoa và tăng tiến trên con đường đạo nghiệp. Sống vì người hơn là lo riêng cho bản thân mình.
3.2. Sự đam mê sắc dục
Cái quyến rũ thứ hai khiến cho con người phải say đắm là sắc đẹp. Sắc đẹp cũng là vị ngọt, một thứ men say khiến cho bao người phải đam mê đeo đuổi. Vì đam mê sắc dục, thích thú đắm luyến cảm thọ những thú vui nhục dục, những sự mơn trớn, vuốt ve, bao lời lẽ êm tai dịu ngọt như đường mật, khiến cho bao khách si tình phải chìm sâu trong biển ái.
Tai hại của lòng đam mê sắc dục thật khó lường. Biết bao người phải hao tài tốn của, tán gia bại sản, hạnh phúc gia đình bị đổ vỡ cũng vì lòng háo sắc. Vợ chồng gây gỗ, đánh đập nhau vì ghen tuông. Con cái bất kính cha mẹ và bản thân chúng cũng bị tủi nhục đau khổ vì ảnh hưởng cha mẹ nó. Cuộc sống gia đình đang đầm ấm hạnh phúc, bỗng dưng người vợ hoặc người chồng trở chứng ngoại tình với kẻ khác, thì hạnh phúc gia đình sẽ tan nát, đổ vỡ. Chẳng những gia đình mình đau khổ, mà cả gia đình người kia cũng đau khổ. Cả hai gia đình đều li tán. Biết bao cặp vợ chồng ra tòa li dị vì chuyện ngoại tình. Tình thương yêu bị mất mát đổ vỡ có thể làm cho người ta đau khổ đến mất trí, điên loạn. Thân thể con người phải bị hao gầy, sức lực tàn tạ, có khi bị nhiễm những thứ bệnh nan y đến nỗi phải thân bại danh liệt, tán thân mất mạng cũng vì lòng tham ái.
Lòng khát ái của con người không bao giờ biết đủ, biết dừng, vì họ không bao giờ thấy thỏa mãn. Họ cứ đi tìm kiếm thụ hưởng những cảm giác mới lạ. Giống như người khát nước, uống nước mặn, càng uống lại càng khát.
Họ cũng biết tai hại của sắc dục, nhưng không biết dừng lại vì sự hấp dẫn quyến rũ của nó, vì thế mà nhân phẩm con người bị mất hết giá trị, tinh thần mờ tối, không còn đủ lý trí để phân biệt phải trái, đúng sai.
Làm vua mà đam mê sắc dục thì nước nhà điêu đứng, ngai vàng sụp đổ. Làm quan mà đam mê sắc dục thì địa vị không bền vững. Làm dân mà đam mê sắc dục thì luân thường đạo lý bị đảo lộn (hiếp dâm, giết người ).
Vì thấy rõ tai hại của lòng đam mê sắc dục nên Phật cấm người Phật tử tại gia không được tà dâm. Tức là người Phật tử chỉ được một vợ một chồng, thương yêu nhau đến trọn đời, không được ngoại tình với kẻ khác, để bảo vệ hạnh phúc cho gia đình mình và gia đình người.
3.3. Danh vọng, địa vị có thật sự đem lại bình an?
Danh vọng là một chiếc thang nhấc bổng người lên những địa vị cao sang, trở thành nhân vật quan trọng trong xã hội được mọi người chú ý, cung kính nể vì. Được ăn trên ngồi trước, có kẻ hầu người hạ. Vì thế mà bao người trong xã hội cố gắng vươn tới để nắm bắt cho bằng được. Khi được rồi lại sợ mất chỗ ngồi, nên họ kiếm cách chìu lòng, nịnh hót, bợ đỡ cấp trên để được thăng cấp, được bao che nâng đỡ. Đối với cấp dưới thì mạt sát, hách dịch ưỡn ngực ra oai. Mà danh từ thế gian gọi là “ thượng đội hạ đạp ”.
Đó cũng là món mồi ngon mà người đời ai cũng thèm muốn đươc tận hưởng, được rồi lại sợ mất. Vì sợ mất chiếc ghế danh vọng, nên họ tha hồ kiếm chuyện nói xấu nhau, vu khống nhau, chia phe chia phái, lập bè lập đảng, báo cáo sai sự thật để lập công.
Những người háo danh đó, ngoài mặt họ giả đò thân thích, nhưng bên trong chờ cơ hội, tìm kẽ hở để cho nhau ăn bùn, tố cáo, lật đổ nhau... Ngồi trên chiếc ghế danh vọng cũng nơm nớp lo sợ, ăn không ngon, ngủ không yên. Vì thế, sách có câu: “Càng cao danh vọng càng dầy gian nan ”.
Trong thiền sử Trung Hoa có câu chuyện: Một hôm, Quan Thị Lang Bạch Cư Dị , một Thi hào lừng danh đời Đường, đi dạo ngang cổng chùa, trông thấy nhà sư đang ngồi vắt vẻo trên cháng ba tàn cây cổ thụ. Vốn không ưa thầy tu vì ông cho là “ lánh nợ đời ” .
Ông cau mày hỏi:
- Bộ hết chỗ ngồi rồi hay sao mà thầy lựa chỗ hiễm nghèo như thế mà ngồi?
Thiền sư bình thản đáp:
- Chỗ của tôi ngồi, xem ra còn vững vàng hơn chỗ của quan lớn nhiều …trái lại chỗ quan ngồi thật là nguy hiểm. Quan Thị Lang nhìn lại chiếc kiệu của mình đang ngồi, ngạc nhiên:
- Chỗ tôi đang ngồi có gì đáng ngại đâu?
- Thưa chỗ của đại quan là dưới vua, trên các quan và trăm họ, vua thương thì quần thần ghét, được lòng dân thì mất lòng vua… Tính mạng của đại quan cùng thân quyến đều lệ thuộc vào lòng yêu ghét của vua, sự tật đố tị hiềm của bạn bè. Một chiếc ghế được kê trên đầu lưỡi của thiên hạ thì làm sao bì được với sự vững chắc của cội cây nầy được …Có phải thế không thưa Đại quan?
Bạch cư dị nghe nói, chỉ im lặng cúi đầu… Sau đó, Quan bắt đầu tìm hiểu và đến học đạo với thiền sư.
Xét lại, danh vọng địa vị cũng chỉ là mộng ảo phù hoa, như những xâu chuỗi ngọc trai bằng bong bóng nước. Không ai có thể giữ mãi được danh vọng địa vị của mình. Người biết sống an phận thủ thường, không tranh đua danh lợi nên không sợ mất quyền lợi, không sợ ai tranh chấp mưu hại nên cuộc sống được bình an...!
3.4. Tham đắm vị dục sẽ đánh mất sự Bình an
Điều thứ tư trong sự đam mê là ăn uống. Ăn uống cũng chỉ là để bồi bổ, bảo vệ, gìn giữ sức khỏe và duy trì mạng sống mà thôi. Tuy thế, con người cũng rất cầu kỳ vì món ăn của mình. Có những món ăn phải chuẩn bị trước đó một tuần lễ hoặc vài ba ngày, có những món ăn người ta được chế biến từ những vật thực được lấy ở tận đáy biển hay ngoài đảo khơi như yến sào, hoặc những vật thực được mua từ những vùng núi tuyết xa xôi như nhân sâm tươi, sen tuyết rất đắt tiền... Người ở vùng đó đi lấy rất cực khổ gian nan, người ta tổ chức những chuyến đi tốn thời gian hàng tháng trời, có khi phải bỏ mạng giữa đường vì tai nạn, thời tiết…
Có những món ăn rất là dã man và dễ sợ như trong các nhà hàng, người ta bắt con cá sống đang bơi trong hồ kiếng (khách muốn ăn con nào, chỉ con đó) đem nhúng trong chảo dầu đang sôi, chỉ trong phút chốc toàn thân cá, từ cổ trở xuống phồng vàng giòn lên, đặt trên đĩa rau cho khách thưởng thức nhưng cái đầu cá vẫn còn sống và ngáp ngáp...
Hoặc người ta bắt con khỉ sống cạo đầu, rồi đặt trong cái hộp vừa khít khao, với rau sống, nước chấm, muối tiêu, muối ớt sẵn cho khách đặt hàng. Rồi dùng con dao bén vạt ngang phần trên hộp sọ của khỉ, bỏ muối tiêu, muối ớt, gia vị vào, lấy muỗng dầm ra, múc ăn với rau sống, khách gật đầu khen ngon khoái trá, trong khi con vật đang quằn quại vùng vẫy, co giật trong sự đau đớn khủng khiếp, kinh hoàng.
Dễ sợ hơn nữa, cho đến thai nhi của nhũng người phá thai được họ đặt mua lén ngã sau ở bệnh viện đem về chưng với thuốc bắc để tẩm bổ cho những người mà không biết có phải là người hay không nữa…Đến khi ăn chay là chủ yếu ăn những món đơn giản, tinh khiết hợp với thiên nhiên, ấy thế mà người ta lại khéo tưởng tượng chế biến nào thịt quay, bò xào giấm, cá thu chiê… nhiều khi chế biến thức ăn chay còn đắt tiền, tốn công hơn là những món ăn mặn.
Thức ăn ngon miệng chỉ có giá trị khi còn ở đầu lưỡi, khi nuốt qua khỏi cổ rồi thì mọi thứ như nhau. Xét lại, ăn ngon chỉ có cảm giác nhứt thời mà thôi, ấy thế mà chúng ta phải vất vả, cực khổ, tốn nhiều thì giờ với nó. Việc ăn uống tầm thường đôi khi cũng đưa con người đến chỗ tranh đua giành giật, cấu xé lẫn nhau, đời người ta hay nói: “miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng lộn gan lên đầu.” ( hai con chó tranh mồi ).
3.5. Mê man ngủ nghỉ
Điều thứ năm trong sự đam mê là ngủ nghỉ. Lại có lắm người suốt đời chỉ thích nhàn hạ, thảnh thơi, ăn không ngồi rồi, không muốn làm động đến móng tay. Sống chỉ biết thụ hưởng, nuôi dưỡng, bồi bổ cái thân cho thỏa mãn sự sung sướng, phỉ lạc là trên hết. Cứ hết ăn rồi ngủ, hết ngủ rồi ăn, lâu ngày thân thể họ phát triển trở nên phì nộn như một khối thịt biết di động. Hết quăng lên giường rồi lại ném xuống võng, sống lười biếng, không làm gì lợi ích cho gia đình, xã hội...
Đời sống con người là một sự hoạt động mà họ lại thích thụ động. Vì ở không lâu ngày nên máu huyết không lưu thông, thân thể mệt mỏi, lừ nhừ. Đó là nguyên nhân đưa đến sự bệnh hoạn và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Cuộc sống như thế thật là thừa thãi và vô ích làm sao (nhàn cư vi bất thiện).
4. Ngũ dục - cuộc săn tìm không chán đủ
Năm phần hấp dẫn trên đã cuốn hút con người đi vào những cuộc phiêu lưu vô tận và trên con đường viễn xứ tha phương, với cuộc lữ hành vô định hướng, con người càng chồng chất, đa mang bao nỗi niềm thống khổ, sợ hãi, lo âu và phiền muộn.
Thế nhưng, dục vọng của con người không bao giờ biết thỏa mãn. Con người sống trong thế gian nầy, tâm cứ luôn tham đắm mong cầu, chạy theo ngũ dục, không bao giờ biết chán, biết đủ.
Người ta nói:“ ăn để mà sống, chứ không phải sống để mà ăn.” nhưng xét lại đời sống con người từ khi sinh ra có mặt trên cuộc đời nầy, tất cả mọi sinh hoạt trong xã hội đều là do chạy đua theo cái ăn, cái mặc, cái ở, phương tiện đi lại… Rốt cuộc cả đời lao đao lận đận, rồi đi đến chỗ già, bệnh, chết. Chả có ý nghĩa gì…?!
Nói như vậy không phải xúi qúi vị, mọi người phải buông bỏ hết không làm gì cả. Mà phải biết sống như thế nào cho có ý nghĩa, lợi ích và biết tạo cho mình một cuộc sống bình an, đừng để dục vọng làm chủ lôi kéo mình!
Quả thật lòng tham của con người không bao giờ biết đủ biết dừng. Chưa có thì cố gắng tranh thủ để được có. Đã có rồi lại muốn có thêm, có thêm nữa. Người nầy tranh đua với người kia, nhà nầy tranh đua với nhà nọ. Ai ai cũng muốn được nổi bật giữa quần chúng, muốn hãnh diện với đời.
Người nghèo khó tranh thủ để được đủ ăn đủ mặc. Người đã được đủ ăn đủ mặc muốn tranh thủ để được giàu sang sung sướng hơn người khác. Người đã được giàu sang sung sướng, muốn tranh thủ để có danh vọng địa vị trong xã hội, có kẻ hầu người hạ, được ăn trên ngồi trước, được mọi người cung kính nể vì.
Người đã có danh vọng địa vị trong xã hội nhưng được làm chức quan nhỏ cũng chưa vừa ý, cố gắng tranh thủ để được làm chức quan to. Được làm quan to cũng chưa thỏa mãn muốn tranh thủ để được làm vua một nước. Được làm vua một nước cũng chưa vừa lòng, muốn tóm thâu cả thiên hạ, muốn thống lãnh cả thế gian nầy. Vì thế mà họ củng cố lực lượng, trang bị vũ khí, mang quân xâm lược, chinh phạt nước người, gây bao cảnh đau thương tang tóc, máu chảy thành sông, thây chồng thành núi.
5. Tham ác bạo tàn
Lòng tham của con người quả thật không bao giờ thấy thỏa mãn cho nên ngạn ngữ có câu: “túi tham không đáy” là vậy. Chính lòng tham không biết chán, biết đủ đã khiến cho con người càng tăng trưởng tội ác. Anh em sát phạt nhau để tranh giành đất đai tài sản, con mưu hại cha mẹ để được ngôi báu như A xà thế, trò hãm hại thầy để tranh giành ảnh hưởng như Đề - bà- đạt -đa...
Trên thương trường vì muốn được lợi nhiều mà người ta dối gạt lẫn nhau, lường cân tráo đấu, mua gian bán lận, móc nối doanh thương, buôn lậu những hàng quốc cấm.
Trong xã hội, lòng tham đã làm cho con người trở nên mù quáng, không còn chút lương tâm đạo đức, đưa đến những hành động tội lỗi tày trời như cướp của, giết người, hiếp dâm, loạn luân… mà chúng ta đã nghe báo chí đăng tải hằng ngày.
Lòng tham của con người bình thường thì sự bạo hành và tác hại bình thường. Lòng tham của những con người có danh vọng địa vị bậc vừa thì sự bạo hành và tác hại vừa phải. Lòng tham của con người ở địa vị cao cấp thì sự bạo hành và tác hại càng lớn hơn nữa, làm biến động cả thế giới.
Đọc lại lịch sử xưa nay còn ghi lại chúng ta thấy đã từng xảy ra những biến loạn kinh hoàng. Tần Thủy Hoàng sau khi đã gom thâu lục quốc, thống nhất Trung Nguyên. Cho xây Vạn Lý Trường Thành để phòng giặc Tây quấy nhiễu. Xây những cung A phòng để ngừa giặc phương Bắc tràn sang. Cho người tìm thuốc trường sanh bất tử để uống cho được sống đời không chết. Với lòng tham cuồng dại của cá nhân mình mà đã tàn hại biết bao sinh linh mạng sống con người. Bao nhiêu sức của, sức người, mồ hôi, nước mắt và máu đã đổ ra để hy sinh phục vụ cho lòng tham của một tên bạo chúa.
Đoàn quân chinh phạt của Thành Cát Tư Hãn với vó ngựa mù trời, đi đến đâu, cây cỏ nơi đó đều ngã rạp và đầu người rơi rụng theo từng bước tiến quân của họ. Alaxande sau khi đánh chiếm trọn cả Châu Âu và một nửa Châu Á vẫn còn than rằng: “ không tìm đâu ra thêm một quốc gia để chinh phạt”.
Vì tham lam chấp ngã, thấy thân nầy là thật, là quan trọng nên mong muốn được thụ hưởng, được phục vụ thỏa mãn. Những gì vừa lòng thích ý thì mong muốn chịếm hữu cho bằng được làm của riêng mình. Nếu sự mong muốn đó bị cản trở, hay gặp những điều bất như ý thì liền nổi sân nổi tức, có thái độ chống đối, hay phản kháng trở lại, ăn thua đủ với mọi người.
6. Tranh đấu hận thù
Một khi lòng sân của con người nổi lên, uất khí nung đốt, làm cho lý trí họ bị lu mờ, dễ dàng đưa đến những hành động sai lầm, tội lỗi và độc ác. Nghịch ý giữa cá nhân với cá nhân ở những người bình thường thì ẩu đả, đâm chém, tạt Acid. Nghịch ý trong gia đình thì cãi vã, gây gỗ, xào xáo làm mất sự đầm ấm hạnh phúc.
Ví dụ như: sự bất đồng ý kiến giữa vợ chồng, sự gây cấn giữa mẹ chồng nàng dâu, sự ganh ty giữa em chồng với chị dâu… nghịch ý giữa lối xóm mích lòng với nhau thì chửi lộn, gây ồn náo, làm mất an ninh trật tự trong xã hội. Đối với những người có thế lực thì tác hại của lòng sân càng lớn, càng nguy hiểm. Giữa tập thể bất đồng ý kiến thì tạo ra phe phái, bè đảng rồi công kích lẫn nhau, chống đối thù hằn nhau.
Bất đồng ý kiến giữa quốc gia nầy với quốc gia khác thì xảy ra tranh chấp lãnh thổ, biên cương, rồi mang quân chinh phạt, chiến tranh xảy ra, bao nhiêu sinh mạng con người phải làm vật hy sinh một cách vô nghĩa. Kinh tởm và mang rợ hơn nữa là nếu những nhà cầm quyền, người lãnh đạo quốc qia thiếu bình tỉnh, sáng suốt, nổi sân lên không kềm chế được, thì thảm họa chiến tranh thật là kinh hoàng khủng khiếp, sức tàn phá, sát hại càng tinh vi và tàn bạo hơn nữa.
Đối với thời đại ngày nay, chuyện huy động lực lượng, sử dụng xe tăng đại pháo, tàu chiến, hay dùng B52 chở bom đi dội, những cái đó có lẽ đã lỗi thời. Mà người ta trang bị cho phương tiện giết người rất tinh tế, hiện đại. Các giàn tên lửa được ấn nút, phi đạn hỏa tiễn hạt nhân sẽ bay đến tận nơi để tiêu diệt. Ngoài ra còn có những loại vũ khí hóa học khác, tai hại không thể lường được.
Xã hội được gọi là văn minh tiến bộ chừng nào, thì sự giết người càng dã man chừng nấy. Tất cả những thảm trạng xảy ra gây đau khổ cho nhân loại cũng vì lòng sân hận mà ra. Vì thế sách có câu “Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai ”. Nghĩa là : “Một niệm sân khởi lên, trăm ngàn chướng nạn sẽ mở cửa”. Hay là : “một ngọn lửa sân đốt cháy cả rừng công đức ”.
7. Vô minh - Mẹ đẻ của tham sân si và kiến chấp sai lầm
Nguyên nhân và tác hại của sân hận sở dĩ có ra là do lòng tham không được thỏa mãn, không được như ý muốn. Và nguồn gốc chủ yếu của tham sân là do si mê mà ra.
Si mê là mờ tối, mê ám không thấy đúng lẽ thật. Vì thấy không đúng sự thật nên gọi là tà kiến. Ai cũng thấy thân nầy là thật có, là bền chắc; không biết được sự tạm bợ hư dối của xác thân vật chất nầy là do duyên hợp như huyễn, không có thực thể, do nghiệp lực thọ sanh, phải chịu sự chi phối của luật vô thường biến hoại theo dòng chuyển biến sinh, gìa, bệnh, chết. Họ cũng không thấy biết được lý nhân qủa nghiệp báo thiện, ác, khổ, vui của con người đều do hành vi tạo tác của chính mình gây nên.
Chấp thường:
Chấp có đấng chủ thể sinh ra con người và vạn vật, có quyền ban ơn giáng họa, định đặt cho số phận rủi may, hoặc chấp mỗi người đều có một linh hồn bất tử trường tồn sinh ra từ đại ngã. Con người chết đi sẽ trở lại làm người, con thú chết đi sẽ trở lại làm thú, muôn đời vẫn thế. Làm vua sẽ tái sanh trở lại làm vua, kẻ nghèo khổ bần cùng sống kiếp tôi đòi nô lệ, sẽ tái sanh trở lại tiếp tục làm kẻ tôi đòi nô lệ, muôn đời vẫn thế, không tin có nhân qủa, thiện ác báo ứng (chấp thường ).
Chấp đoạn:
Hoặc chấp con người sinh ra chỉ có một lần, chết rồi là hết, không có kiếp sau ( chấp đoạn diệt ).
Đây là hai lối chấp tai họa cho thế gian, gây ra biết bao nhiêu đau thương tang tóc cho cuộc đời nầy. Bởi chấp người sinh trở lại làm người, hoặc chết rồi là hết nên khi sống tha hồ mà tranh đấu, giành giật... tạo không biết bao nhiêu là tội ác: sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu say làm bậy vì không tin có luân hồi, quả báo đời sau.
8. Thức Tâm phân biệt
Về mặt tinh thần thì họ chấp những tâm niệm duyên theo bóng dáng của sáu trần cho đó là tâm của mình, vọng khởi phân biệt phải, trái, đúng, sai. Rồi tham, sân, yêu ghét cũng từ đó mà dấy khởi, sinh ra đấu tranh xung đột hơn thua nhau để giành phần phải, phần hơn. Ở phạm vi rộng hơn nữa là những cuộc đấu tranh về ý thức hệ tư tưởng. Nhưng xét kỹ lại, mỗi người sinh ra trên cuộc đời nầy đều do nghiêp lực huân tập khác nhau, không ai giống ai, nên ý kiến và tư tưởng của mỗi người cũng riêng khác, làm sao mà giống nhau được, mà họ đòi hỏi phải đồng ý kiến, đồng tư tưởng.
Trái ý kiến, bất đồng tư tưởng thì chống đối, đấu tranh hơn thiệt với nhau, gây đau khổ cho nhau. Bao nhiêu chuyện rắc rối phức tạp trên đời cũng vì đó mà phát sanh.
9. Nghiệp báo phân minh
Vì si mê lầm lạc mà con người mù quáng không thấy được quả báo không thể lường do lòng tham và hành động của mình gây ra.
Đức Phật dạy: “ Xâm lăng sanh thù ghét, kẻ bị chinh phục sống trong khốn khổ, những ai sống thanh bình và không dục vọng, chắc chắn được an vui. Vì đã xa lánh chinh phục và thất bại. Một lần nọ, vua Ba Tư Nặc chiến thắng và thâu đoạt toàn thể quân đội của vua A Xà Thế, ngoại trừ nhà vua đã chạy thoát . Đây là môt cuộc chiến thắng trả thù sau khi đã một lần chiến bại với A Xà Thế. Khi nghe được tin ấy, Đức Phật đọc lên những câu kệ sau đây, vẫn có thể áp dụng trọn vẹn trong thế gian hiện tại, luôn phải lo sợ một cuộc chiến tàn khốc có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.
“một người có thể cướp bóc một người khác, cũng như có thể phục vụ môt người kia. Nhưng khi bị cướp, người kia chiếm đoạt trở lại. Và cướp bóc chiếm đoạt trở đi trở lại không ngừng”.
Ngày nào quả xấu chưa trổ, người cuồng sĩ còn tưởng tượng: “thì giờ đã đến, đây là một dịp may”. Nhưng khi quả trổ phải bị khốn khổ. Người sát nhơn gặp kẽ sát nhơn, người xâm lăng bị chinh phục, kẻ hỗn hào bị chửi mắng. Người ưa quấy rầy bị phiền nhiễu. Vậy, theo tiến trình diễn biến của hành vi, kẻ cướp ắt sẽ bị cướp”...
10. Chủ nhân tạo nghiệp
Như vậy, xét lại bao nhiêu sự rắc rối phức tạp và bất an xảy ra trên cuộc đời nầy, nguyên nhân chủ yếu chính là tham sân si. Tham, sân, si là ba món độc hại và vô cùng nguy hiểm. Nó đã ăn sâu, kết chặt trong tiềm thức của chúng sanh từ vô lượng kiếp. Con người bị tham, sân, si thúc dục, sai sử gây tạo biết bao đều tội lỗi; giới thân huệ mạng của mình bị tổn thất, lại làm khổ cho biết bao nhiêu người khác. Chúng sanh bị trầm luân trong vòng sanh tử cũng vì ba món độc hại đó. Trong ba món độc hại đó, si là chủ yếu, là nguyên nhân tạo nghiệp. Vì si mê chấp ngã, chấp pháp nên tham, sân theo đó mà dấy khởi. Bây giờ muốn trừ tam độc, trước hết phải phá si mê.
11. Thắp sáng trí tuệ
Muốn phá si mê phải thấp sáng ngọn đèn trí tuệ, dùng bát nhã chiếu phá vô minh, xóa tan bóng tối mê mờ của si mê hắc ám. Chỉ cần dứt sạch si mê thì tham sân cũng theo đó mà tiêu diệt.
Si mê chấp ngã là nguyên nhân phát sinh những tướng trạng tham sân qua mỗi phạm vi của nó. Ngã chấp là mặt trái của tình yêu và hạnh phúc thế gian, nào là bản thân tôi, gia đình tôi, vợ con của tôi, tài sản sự nghiệp của tôi, tập thể của tôi, quốc gia của tôi, tôn giáo của tôi…
Vì chấp thực có ta và có cái của ta cho nên con người luôn luôn đấu tranh dưới mọi hình thức để bênh vực và bảo vệ cho cái ngã của mình, mà không từ bỏ bất cứ mọi hình thức tội lỗi nào.
12. Vạn vật vô thường
Đức Phật dạy: “Kẻ phàm phu ngu mê không tự biết rằng: chính Thân ta còn không thực có, huống nữa là vợ con ta hay tài sản của ta”. Và Ngài dạy tiếp: “Người kia vì không tự biết rằng chúng ta đang sống trong sự hủy diệt. Nếu họ biết rằng họ đang sống trong sự hủy diệt, thì họ không còn có đủ thời giờ mà lo đấu tranh, cải lẫy với nhau nữa”.
Quả thật, đúng như lời Phật dạy: tất cả chúng ta đang sống trong sự hủy diệt, sự dời đổi và biến chuyển không ngừng nghỉ. Tất cả vạn hữu sinh ra trong vũ trụ, từ con người gồm cả hai mặt thân và tâm, cùng tất cả các pháp hiện có mặt trên thế gian nầy đều do nhân duyên hòa hợp, rồi cũng do nhân duyên tan rã. Không có một sự vật nào tự nó hình thành một cách đơn độc, độc lập, đứng yên và tồn tại mãi mãi. Tất cả muôn sự, muôn vật đều đang ở trong vòng chuyển biến vận động liên tục không ngừng nghỉ và đang chuyển vận dời đổi trong từng sát na từ trạng thái hình thể nầy sang trạng thái hình thể khác cho đến vô cùng vô tận. Thế nên, tất cả mọi vật đều vô thường. Vô thường vì do nhân duyên hòa hợp không có thực thể. Không có thực thể nên gọi là vô ngã. Vì vô ngã nên ngũ uẩn đều không.
Tất cả mọi vật đều tuân thủ theo một cách như vậy, ta có thể nói rằng tất cả đều là tạm thời và vì luôn chuyển đổi, nên sự vật mà ta biết được chẳng qua cũng chỉ là một chuỗi thay đổi liên tục của vô số tướng trạng từ mới đến cũ, từ trẻ đến già, từ sanh đến diệt. Phật giáo tạm phân quá trình ấy làm bốn giai đoạn “sanh, trụ, dị, diệt” nơi sự vật, “thành, trụ, hoại, không” nơi thế giới và “sinh, lão, bệnh, tử” nơi con người. Như vậy, theo Phật giáo, tất cả các sự vật, hiện tượng trên thế gian nầy đều hoàn toàn không có một cái chủ thể nhất định, luôn luôn chuyển động và vì vậy tất cả đều vô ngã, nghĩa là không thật có một tướng trạng nhất định bất di bất dịch, đây gọi là vô ngã tính.
13. Ngũ uẩn giai không
Liên hệ đến bản thân của mỗi người vì không thấy rõ được sự thật của tướng trạng nầy, không nhận biết được sự giả hợp của ngũ uẩn tạo thành tấm thân nầy, nên từ lúc lọt lòng mẹ, một cái tên gọi, cùng với nhận thức sai lầm về cái tôi đã tạo thành một ngộ nhận căn bản về sự hiện hữu và giá trị của một con người. Từ đó, tính chấp thực và sự ích kỷ hình thành. Đây là giềng mối của bao nỗi thống khổ mà chúng ta đã cưu mang suốt cả kiếp người. Chính ảo mộng về một cái tôi và những cái của tôi đã được đưa đến thảm trạng chiến tranh hận thù và cấu xé lẫn nhau.
Kết Luận
Phật Pháp đã soi sáng chân tướng của vạn pháp bằng ánh sáng của chân lý vô ngã. Sự soi sáng ấy không nhằm mục đích thỏa mãn tri thức của nhân loại, mà nó mang ý nghĩa trình bày một sự thật về tướng trạng của con người, sự vật và thế giới... nhằm mục đích xây dựng cho nhân loại một nếp sống cao đẹp đầy tình người. Chính từ nhận thức đúng đắn và sáng suốt đó, chúng ta mới không làm nô lệ cho bọn giặc phiền não, chủ yếu là ba món độc tham lam, sân hận và si mê.
Hàng phục tham, sân, si để phá tan lòng chấp ngã đó là chiến công tự thắng lấy mình và đó mới thực sự là chiến công oanh liệt nhất. Hơn cả những chiến công thắng vạn quân ngoài mặt trận.
Thật vậy, một khi chúng ta đã nhận thức được bản chất thực của tấm thân ta đang mang giữ giữa cuộc đời nầy, thấu rõ được cái ta, gọi là ta, là tôi, là của tôi... chỉ là những gì rất mong manh, tạm bợ không bền chắc, luôn biến chuyển. Khi ấy bức tường thành ích, kỷ hẹp hòi mới thực sự sụp đổ, ranh giới của chủ nghĩa cá nhân mới bị xóa nhòa, thành trì của bảo thủ mới thực sự bị phá vỡ, lòng bao dung vị tha sẽ bừng sáng trong tâm hồn mỗi con người. Nhân loại xích lại gần nhau để mỉm cười, thương yêu và cùng sống hòa ái với nhau trong tinh thần khoan dung, tha thứ và sẵn sàng quên đi những lầm lỗi mà chúng ta đã từng gây tạo cho nhau.
Con người sẽ thật sự sống một cuôc sống bình an, yên vui, hạnh phúc ngay trên quả đất nầy chỉ khi nào bản ngã được triệt tiêu!
Thượng tọa Thích Tuệ Giác